Tại buổi thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2012 sáng 29/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ bức xúc trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng bày tỏ: “Chúng ta bước ra đường là phải đối mặt với tai nạn giao thông, ngồi vào bàn ăn là đối tượng tiêm nhiễm của hàng nghìn hóa chất độc hại ngâm tẩm trong lương thực, thực phẩm. Hàng loạt những cuộc ngộ độc tập thể đã xảy ra, sức khỏe của người lao động bị đe dọa trầm trọng. Dư lượng hóa chất độc trong thực phẩm tích tụ lâu dài tất yếu sẽ làm suy yếu nòi giống Việt”.
Ông Đáng đề nghị Mặt trận tổ quốc và các hội, đoàn phát động cuộc vận động toàn quốc nhằm tẩy chay các hàng hóa độc hại. “Chúng ta không tẩy chay hàng hóa của một quốc gia cụ thể nào mà chỉ tẩy chay hàng hóa độc hại, kể cả hàng Việt Nam nếu có độc. Ngành y tế cần hướng dẫn hàng ngày cho người dân nhận diện được hàng hóa độc hại để tẩy chay có hiệu quả, giúp dân tự bảo vệ sức khỏe”, ông nói.
Thực phẩm không đảm bảo chất lượng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Vấn đề này ai chịu trách nhiệm? Trước đây chúng ta cứ chia trách nhiệm cho nhiều bộ để rồi không rõ trách nhiệm. Đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế trách nhiệm này”, ông Huỳnh Ngọc Đáng nêu vấn đề.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tấn cho biết gần đây thị trường trong nước liên tục đón nhận thông tin về hàng nhập khẩu kém chất lượng. Chẳng hạn mẫu lựu, nho Trung Quốc có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép ở mức rất cao, có nguy cơ gây ra các bệnh tim, gan, thận. Do vậy, ông Tấn kiến nghị Chính phủ có quy định tiêu chuẩn và kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu, có chế tài thật nghiêm với các đối tượng gây mất an toàn thực phẩm.
Cũng băn khoăn về tình trạng thực phẩm không đảm bảo, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, từ khi trong bụng mẹ thai nhi đã phải chịu tác động của rượu, bia; Khi ra đời thì uống sữa rẻ, sữa có chất cấm; Khi đi học ăn uống vỉa hè với bao nhiêu chất độc hại ở các cổng trường; Sinh viên thì dùng đồ ăn, thức uống là từ thực phẩm hôi thối, nguyên liệu có chất cấm ở mức độ cao; Khi đi làm thì thường xuyên dùng rượu, bia quá mức. Như vậy có thể thấy được nguy cơ sức khỏe giống nòi của số lượng không nhỏ người Việt trong những thập kỷ sắp tới.
Do vậy, ông Cảnh cho rằng, trong chỉ tiêu đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội cần phải quan tâm đến chỉ tiêu số người bệnh trên một vạn dân hàng năm, phải phấn đấu để chỉ tiêu này ngày một giảm. Đây là việc mà nhiều ngành phải cùng phối hợp thực hiện.
Đại biểu Hồ Thị Thủy cũng cho rằng, quá tải bệnh viện là do tình trạng bệnh tật gia tăng nhanh và phức tạp, do vệ sinh an toàn thực phẩm không được kiểm soát chặt. Nhiều vụ phát hiện rượu không có nguồn gốc, sản phẩm chăn nuôi, rau quả có dư lượng thuốc kích thích, thực phẩm ôi thối giá rẻ được nhập lậu bán công khai..., nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra, nhất là ở các bếp ăn công nhân.
“Với giá chỉ 7.000 -10.000 đồng một suất ăn thì chất lượng sẽ như thế nào, nếu không nói đó là suất ăn thiếu dinh dưỡng, thừa hóa chất. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng là không thông thái, khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn được quảng cáo, bán công khai trên thị trường, và chỉ khi nào có vấn đề thì cơ quan chức năng mới vào cuộc”, bà Thủy bức xúc.
Theo đại biểu này, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân phải lấy quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, mà muốn phòng được bệnh thì không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành Y tế mà là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành.
Đoàn Loan