Báo cáo này vừa được Bệnh viện Da liễu Trung ương gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học (Bộ Y tế). Khảo sát được tiến hành tại huyền miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, vào đầu tháng 10. Theo đó, dựa vào biểu hiện lâm sàng, tiến triển trong quá trình điều trị bệnh nhân, kết quả khảo sát môi trường sống, điều kiện sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và kết quả xét nghiệm, các chuyên gia hướng tới chẩn đoán: nhiều khả năng là bệnh viêm da tiếp xúc nghi do các chất được sử dụng trong nông nghiệp.
Đôi bàn tay, bàn chân của một bệnh nhân lở loét giống như vết bỏng. Các chuyên gia Bệnh viện Da liễu Trung ương phỏng đoán viêm da nghi do tiếp xúc các chất sử dụng trong nông nghiệp. Ảnh: Trí Tín |
PGS, TS Trần Hậu Khang, Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia cho biết: "Kết quả hội chẩn của các chuyên gia trong và ngoài ngành da liễu, bệnh được chẩn đoán là viêm da bàn tay, bàn chân do tiếp xúc. Nguyên nhân của bệnh đến nay vẫn chưa xác định rõ. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo theo dõi, nghiên cứu bệnh này trong thời gian tới".
Sau chuỗi thời gian dài theo dõi Bệnh viện Da liễu Trung ương đã hội chẩn với Giáo sư Laurent- chuyên gia về mô bệnh học về da liễu. Các bác sĩ nhận định: Mô bệnh học của 5 bệnh nhân ở huyện Ba Tơ từng được chuyển ra Hà Nội điều trị tương đối giống nhau ở thượng bì, có hiện tượng dày sừng. Ở trung bì có hiện tượng xâm nhập của nhiều tế bào lympho dạng lichen. Kết quả định lượng 5 yếu tố vi lượng trong máu gồm: đồng, chì, kẽm, crôm... cho thấy hiện diện trong máu đều ở mức giới hạn bình thường.
Kết quả kiểm định hai mẫu nước lấy ở huyện Ba Tơ, được Viện Y học lao động thực hiện, cho thấy các độc chất đều trong giới hạn cho phép. Kết quả kiểm nghiệm 7 mẫu gạo từ các hộ dân có người thân mắc "bệnh lạ" tại Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy 4/7 mẫu có chỉ số nấm mốc cao hơn giới hạn cho phép.
Một bệnh nhân ở xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) mắc "bệnh lạ" được điều trị ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Kết quả điều trị 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa đều có biểu hiện viêm da như nhau. Tất cả bệnh nhân đều có men gan trong máu tăng gấp 4-5 lần bình thường. Sau 3 tuần điều trị, các tổn thương bong vảy, mềm, bệnh nhân ăn uống được, thể trạng khá và đã được xuất viện.
Tính đến ngày 6/10, huyện Ba Tơ đã có 61 trường hợp mắc bệnh tổn thương da không rõ nguyên nhân. Trong đó 38 bệnh nhân nữ, 23 nam, chủ yếu tuổi từ 16 đến 49, tuổi nhỏ nhất là 4, lớn nhất 72, tập trung ở các xã: Ba Điền, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Ngạc. Trong đó, xã Ba Điền có 57 người mắc bệnh, cả 4 thôn đều có người mắc "bệnh lạ". Triệu chứng của bệnh là tổn thương dày sừng ở lòng bàn tay, bàn chân. Sau vài ngày, vết thương khô cứng thâm màu và bong vảy ở giữa để lại viền vảy khô xung quanh.
Một em bé 8 tuổi mắc "bệnh lạ" đã tử vong ngày 10/5, chẩn đoán suy đa phủ tạng nghi do nhiễm độc.
Trí Tín