Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, trong 5 năm qua, kết quả khảo sát cho thấy cứ mỗi năm, lượng học sinh thừa cân béo phì ngày càng tăng.
"Nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 17,1% béo phì, 21% thừa cân. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều ở học sinh trung học cơ sở và chỉ giảm nhẹ ở cấp trung học phổ thông. Học sinh nam thừa cân béo phì nhiều hơn các bạn nữ", bà Diệp nói.
"Nuôi con mập mới thành công", theo các chuyên gia dinh dưỡng đây là suy nghĩ lạc hậu bởi trẻ chưa chắc đã khỏe khi quá béo. Ảnh: Thiên Chương. |
Tại Trường tiểu học Dương Minh Châu và trường tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 - hai trong số các trường được chọn để nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở học sinh - 3 năm học qua, đến 60% học sinh có mỡ trong máu cao hơn mức bình thường.
Cùng nghiên cứu dinh dưỡng học đường, Tiến sĩ - bác sĩ Tăng Kim Hồng, khoa Dinh dưỡng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng khẳng định hiện tỷ lệ học sinh thừa cân tăng gấp đôi và béo phì tăng gấp ba lần so với 5 năm trước.
"Tình hình đáng báo động và ngành giáo dục phải có biện pháp khống chế nếu không muốn nhiều em lớn lên trong thể trạng quá khổ. Điều này không chỉ khiến các em thiếu tự tin mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe", bà Hồng nói.
Bác sĩ Diệp cho biết, học sinh thừa cân béo phì chủ yếu tập trung ở những gia đình khá giả. Nguyên nhân chính khiến các "cậu ấm cô chiêu" phát phì là do cách nuôi của bố mẹ và các em quá ít vận động.
Về cách chăm con khiến các bé bị phát phì, bác sĩ Diệp cho biết, hầu hết các bà mẹ đều có quan niệm lạc hậu "nuôi con mập mới thành công". "Với suy nghĩ này, nhiều người đã thúc con ăn đủ thứ và ăn nhiều lần trong ngày mà không hề quan tâm đến sự cân đối giữa cân nặng và chiều cao", bác sĩ Diệp nói.
Ngoài chuyện bị người lớn ép ăn thì việc các em quá ít vận động, không tập thể dục cũng là nguyên nhân gây thừa cân.
Tại trường tiểu học Dương Minh Châu, quận 10, có đến 46,3% học sinh cho biết không hoặc rất ít vận động trong ngày. Số còn lại chỉ thích ngồi chơi game hoặc đọc sách. Tại một số trường cấp 2 khác, số học sinh dành thời gian ngồi yên cũng chiếm hơn 60%, số còn lại có vận động nhưng tổng thời gian vận động trung bình mỗi ngày chưa đến một giờ đồng hồ.
Phân tích nguyên nhân khiến các bé ít vận động, bác sĩ Nguyễn Thị Sự, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng quận cũng cho rằng, sân trường nhỏ hẹp là nguyên nhân khiến các em không thể hoạt động thể chất. "Ngoài ra chuyện học thêm chiếm tỷ trọng cao hơn thời gian vận động chính vì thế, ngành giáo dục cần nghĩ đến chuyện cho các em vận động tại chỗ", bà Sự nói.
Đại diện phòng giáo dục quận 6 đề xuất với Sở Giáo dục - đào tạo TP HCM nên yêu cầu các trường tăng cường vận động cho các em. "Đất chật người đông thì nên tận dụng hành lang hoặc tập thể dục tại chỗ".
Còn theo ý kiến của đại diện Trung tâm dinh dưỡng, việc kiểm soát thừa và thiếu bữa ăn học đường; tăng cường nhân lực y tế trường học; các cơ sở nấu ăn cho học sinh cần được can thiệp để tránh các thực đơn chưa hợp lý.
Về phía gia đình, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên cân đối chế độ dinh dưỡng của bé, nếu cần thiết thì nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được bác sĩ tư vấn. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chủ động cân đối giữa thời gian học và thời gian thư giãn. Nên tập cho bé thói quen vận động như cho con đi bơi, học võ hoặc tập thể dục tại chỗ.
Thiên Chương