Khởi phát với các triệu chứng không điển hình của bệnh tay chân miệng, được đưa đến bệnh viện sớm, thế nhưng cô bé vẫn không thể qua khỏi. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại Hà Nội cũng như ở miền Bắc.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do virus EV71, một tuýp cực kỳ nguy hiểm, khiến nhiều trẻ tại miền Nam tử vong. Không những thế, bệnh nhi mắc bệnh ở thể tối cấp, diễn biến xấu rất nhanh, viêm cơ tim, viêm não, phù phổi cấp.
Dù ở trường hay ở nhà, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường, đồ chơi, đặc biệt bàn tay của trẻ và người chăm sóc. Ảnh: Nam Phương |
Còn tại trường Mẫu giáo Bách Khoa, ngày 15/9 phát hiện bé đầu tiên mắc tay chân miệng, đến ngày 19/9 thì có thêm 5 trẻ nữa bị bệnh.
Cô Phạm Thu Hoài, hiệu trưởng trường cho biết, hiện giờ mỗi sáng khi trẻ được đưa đến trường, các cô giáo đều kiểm tra tay chân bé xem có các nốt đỏ bất thường không. Nếu thấy trẻ nào dấu hiệu bất thường thì cô giáo lập tức yêu cầu bố mẹ đón về và đưa con đi khám. Khi trẻ có giấy chứng nhận không mắc bệnh tay chân miệng mới tiếp tục được đi học lại.
"Khi 4 cháu cùng một lớp bị tay chân miệng, nhà trường đã cho cả lớp nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời thông báo đến toàn bộ phụ huynh các lớp được biết. Toàn bộ trường, đồ dùng, đồ chơi của các bé đều được khử khuẩn", cô Hoài nói.
Nhà trường cũng tiến hành tổng vệ sinh toàn trường bằng cloramin B tuần một lần. Riêng 2 lớp có trẻ mắc bệnh được tổng vệ sinh ngày một lần liên tục trong 7 ngày.
"Đến ngày hôm nay, trường chúng tôi không có thêm ca mắc mới. Cả 6 cháu này đều ở thể nhẹ, điều trị và cách ly tại nhà", cô Hoài cho biết.
Tại Hà Đông (Hà Nội) cũng đã có một trường mầm non phải cho một lớp nghỉ học vì có trẻ bị tay chân miệng. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết hiện trên địa bàn toàn thành phố có khoảng 5-7 trường mầm non có trẻ bị bệnh, tuy nhiên chưa có dịch lớn mà chỉ lác đác vài ca.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tình hình bệnh tay chân miệng tại Hà Nội vẫn ở mức bình thường, mỗi tuần xuất hiện vài chục ca. Từ đầu năm đến nay cả thành phố có gần 320 ca mắc, chủ yếu ở thể nhẹ. Bên cạnh đó cũng ghi nhận một số ca dương tính với virus EV71. Trước đây, năm nào thành phố cũng xuất hiện rải rác các ca tay chân miệng, từ vài chục ca đến vài trăm ca mỗi năm.
Rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp đơn giản phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: Nam Phương |
Theo một lãnh đạo của Trung tâm Y tế dự phòng (Hà Nội), nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng là cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là phải đổ xô đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế ngay, tránh tình trạng trẻ nghi nhiễm thì đến bệnh viện lại thành nhiễm bệnh.
Tong thời điểm hiện nay, khi thấy trẻ có ban đỏ, sốt, cần nghĩ ngay tới bệnh tay chân miệng. Cha mẹ cần chú ý đưa con tới viện ngay khi có các triệu chứng như giật mình, kích thích, vật vã...
Để phòng bệnh, quan trọng là giữ vệ sinh sạch sẽ từ môi trường, đồ chơi, đến bàn tay trẻ và đặc biệt là bàn tay người chăm sóc trẻ. Một nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy 40% số trẻ mắc bệnh là từ bàn tay người chăm sóc không đảm bảo vệ sinh.
Gia đình có trẻ bị bệnh, cần cách ly, cho nghỉ học tại nhà, thông báo với y tế phường, xã nơi cư trú, thông báo với trường học. Dù là một trẻ mắc thì cũng tiến hành xử lý môi trường, xử lý như một ổ dịch.
Trong các tháng 9-11, tình hình dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả số mắc và tử vong. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần cẩn trọng nhưng không hoang mang, tiến hành các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Phương Trang