Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho hay, khi đến bệnh viện, sức khỏe của bệnh nhi đã khá ổn định. Bé được lưu tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc để chăm sóc.
"Trước khi đưa ra hướng điều trị phù hợp, chúng tôi cần phải chờ bệnh viện tuyến dưới trình bày lại toàn bộ quá trình phẫu thuật và xử trí sau mổ, đồng thời chẩn đoán tình trạng tổn thương của bé", bác sĩ Định nói.
Cũng theo bác sĩ Định, nếu bàng quang bị thủng nhiều như phản ánh của bệnh viện tuyến trước thì khả năng phải tái tạo bàng quang là rất cao. "Trước mắt, ngày 31/10, chúng tôi sẽ mở niệu quản để dẫn lưu nước tiểu tạm thời cho bé", ông Định nói.
Theo các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, đến sáng nay, bệnh nhi đã không cần phải thở máy. Các chức năng tim mạch, huyết áp và hô hấp khá ổn định.
Người nhà cho hay, bé được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh mổ thoát vị bẹn ngày 25/10. Vài giờ sau mổ, bụng của bé bị trướng to, không thể tiểu tiện. Ngày 26/10, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa xác định bệnh viện tuyến dưới đã cắt nhầm khiến bàng quang của bé bị tổn thương, dẫn đến tình trạng nước tiểu ứ trong khoang bụng. Bệnh viện này đã mổ cấp cứu, dẫn lưu nước tiểu rồi chuyển bệnh nhi về TP HCM.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Ngoại nhi, thoát vị bẹn là tình trạng ruột chui xuống bẹn tạo thành một túi phồng có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Trong thời kỳ phát triển của thai nhi, với bé trai, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống. Khi bé sinh ra thì ống này đóng lại, số ít trường hợp ống không đóng khiến ruột chui xuống bẹn. Bệnh thường thấy ở bé trai.
Cách duy nhất để điều trị là phẫu thuật. Việc phẫu thuật đơn giản với đường mổ khoảng 3 cm. Bệnh nhân thường xuất viện sớm và khó có nguy cơ bị biến chứng sau mổ.
Thiên Chương