Giống như CES đầu năm, triển lãm IFA vừa kết thúc tại Berlin (Đức) cũng là nơi để các nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới trình diễn những sản phẩm và công nghệ hình ảnh mới nhất của mình. Hầu hết các mẫu HDTV nổi bật tại triển lãm đều sẽ sớm được đưa ra thị trường ngay trong cuối năm nay.
Dù TV màn hình OLED trong suốt hay có độ phân giải "siêu nét" ấn tượng nhất ở IFA 2011, nhưng thực tế, 3D và TV thông minh vẫn sẽ là những công nghệ hình ảnh chủ đạo ở thị trường TV từ nay cho tới cuối năm 2011, trước khi kỳ CES 2012 bắt đầu.
Công nghệ 3D thụ động đang cạnh tranh quyết liệt với 3D chủ động. Ảnh: Daylife.
IFA 2011 cho thấy, công nghệ 3D trên TV đang dần hoàn thiện.
Một trong những nguyên nhân khiến cho TV 3D kém phổ biến trong năm ngoái nằm ở những cặp kính chuyên dụng màn trập có giá bán quá đắt, thiết kế cồng kềnh và có chất lượng chưa ổn định. Tuy nhiên, với sự ra mắt của TV 3D "thụ động" LG Cinema 3D dùng công nghệ màn hình FPR với kính phân cực, nỗi lo về sự khó chịu của kính chuyên dụng đang dần biến mất. Kính phân cực có giá thành rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng, giá thấp hơn kính màn trập vài lần trong khi trọng lượng gọn nhẹ hơn nhiều.LG, một trong những nhà sản xuất TV 3D hàng đầu thế giới công khai việc chuyển đổi từ 3D "chủ động" dùng kính màn trập sang 3D "thụ động" dùng kính phân cực bằng việc trình làng model LW9800 tại IFA 2011 thay thế cho LW9500. Trong khi trước đó, tại CES 2011 đầu năm, LW9500 được LG giới thiệu là mẫu TV 3D cao cấp nhất của hãng trong năm 2011 và sử dụng công nghệ 3D chủ động màn trập chứ không phải thụ động.
Sự thay đổi của LG khiến cho những hãng chỉ sản xuất TV 3D "chủ động" như Samsung, Panasonic hay Sony phải lo lắng và tìm cách giải quyết các vấn đề về kính chuyên dụng màn trập. Các hãng trên cùng với XpanD mới đây đã thành lập một tiêu chuẩn thống nhất về kính màn trập dành cho TV 3D, hướng đến việc giải quyết nhưng khó khăn về kính mà 3D từng gặp phải ở năm ngoái.
3D thụ động hay 3D chủ động chưa thể trở thành công nghệ 3D chính được các nhà sản xuất TV áp dụng. Ít nhất là cho tới đầu năm sau, thị trường TV 3D vẫn sẽ chứng kiến sự tồn tại và phát triển song song của cả hai công nghệ này. Sự cạnh tranh giữa 3D chủ động và thụ động thậm chí còn đem lại thêm nhiều ích lợi cho người dùng.
Cùng với 3D, Smart TV là xu hướng công nghệ chủ đạo của thị trường TV từ nay đến cuối năm. Ảnh: Daylife. |
TV "thông minh" tiếp tục là xu hướng công nghệ chính ở thị trường TV từ nay cho tới cuối năm. IFA 2011 vừa kết thúc mà thiếu đi sự xuất hiện của Google TV, nền tảng thông minh dựa trên hệ điều hành Android được thiết kế dành cho HDTV kết nối mạng và không có bất kỳ hãng TV nào trình diễn sản phẩm chạy Google TV. Tuy nhiên, triển lãm cũng cho thấy TV thông minh hay Smart TV vẫn sẽ là một xu hướng chủ đạo của thị trường trong năm 2011.
Thay vì ồ ạt tung ra nhiều nền tảng khác nhau và tự phát triển cho riêng mình, nhiều hãng TV lớn đang hợp sức để đưa ra một nền tảng Smart TV thống nhất. Nhưng thay vì đầu tư vào việc xây dựng một hệ điều hành mới với nhiều tính năng như Google TV, tại IFA các hãng Philips, Sharp, Loewe và LG tuyên bố sẽ hợp tác để tạo ra những ứng dụng có thể dùng chung trên nhiều loại TV và nền tảng khác nhau.
ZL2, mẫu TV 3D không cần kính kích thước 55 inch của Toshiba. |
Trong khi đó, TV có màn hình OLED trong suốt hay sở hữu độ phân giải siêu nét vẫn chỉ là những sản phẩm của tương lai. Haier, nhà sản xuất tới từ Trung Quốc mang tới IFA 2011 mẫu TV 22 inch có màn hình OLED trong suốt dù gây được rất nhiều chú ý nhưng đây vẫn là một sản phẩm thử nghiệm, chưa có kế hoạch thương mại hóa cụ thể.
Cùng với đó mẫu TV 85 inch Super Hi-Vision của Sharp cũng cho thấy khả năng trình diễn rất ấn tượng của mình với độ phân giải cao gấp 16 lần chuẩn Full HD ở TV thông thường hiện nay.
Tuy nhiên, khả năng cac sản phẩm này sẽ không sớm xuất hiện trên thị trường bởi thực tế, nguồn phát và nội dung với độ phân giải Super Hi-Vision cho sản phẩm vẫn còn là thứ hiếm hiện nay. Để trình diễn những hình ảnh có độ nét ấn tượng tại IFA 2011, các chuyên gia của Sharp đã phải phối ghép một hệ thống bao gồm nhiều nguồn phát khác nhau để tạo ra nội dung Super Hi-Vision.
Phạm Anh