Khi phát minh ra công nghệ bóng đèn hình Cathode Ray Tube (CRT), có lẽ nhà vật lý học người Đức Karl Ferdinand Braun chưa bao giờ hình dung thị trường màn hình lại phát triển và cạnh tranh nhau khốc liệt như hiện nay.
CRT từng thống trị thế giới với hàng triệu TV được tiêu thụ mỗi năm, nhưng sự nổi lên của LCD và Plasma khiến nó dần lụi tàn. Tuy nhiên, TV màn hình phẳng chưa kịp thống trị thị trường thì đã xuất hiện một số công nghệ khác với tham vọng đánh bại chúng.
Màn hình OLED 21 inch. Ảnh: Weblogsinc. |
OLED
Công nghệ diode phát sáng hữu cơ OLED (Organic Light-Emitting Diode) được đề cập tới từ những năm 50 nhưng mẫu sản phẩm đầu tiên chỉ mới xuất hiện năm 1996. Nó sử dụng hợp chất hữu cơ để sản sinh ánh sáng khi tương tác với dòng điện. Trải hợp chất lên bề mặt kính hoặc nhựa và ép chúng giữa hai điện cực âm dương, người ta sẽ có một tấm nền OLED màu đơn giản.
Các bài liên quan
Do OLED tự tỏa sáng nên nó không cần nguồn sáng riêng như LCD. Điều này giúp TV tiết kiệm tới 40% điện năng so với công nghệ tinh thể lỏng và mang lại độ phân giải màu và độ tương phản cao hơn.
*Sony ra mắt TV OLED đầu tiên trên thế giới
*Màn hình OLED dẻo làm từ nước và dầu hỏa
*Sony, Philips ra mắt màn hình OLED mềm dẻo
Tuy nhiên, điểm yếu của OLED là thời gian tồn tại của sản phẩm khá ngắn. Hợp chất hữu cơ sẽ bị thoái hóa trong quá trình sử dụng, nhất là những hợp chất được dùng để phát ánh sáng xanh dương. Ngoài ra, ngành công nghiệp sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng những tấm nền lớn tương đương LCD. TV OLED đầu tiên trên thị trường Sony XEL-1 cũng chỉ có 11 inch.
SED hoạt động tương tự màn hình CRT. Ảnh: Hdtexpert. |
SED
Giới chuyên môn nhận định LCD và Plasma sẽ thực sự trưởng thành vào khoảng 2010 - 2012 và sau đó sẽ đến thời của OLED. Nhưng một công nghệ khác cũng được người tiêu dùng quan tâm là kỹ thuật phát xạ điện tử dẫn bề mặt SED (Surface-conduction Electron-emitter Display) được Canon giới thiệu từ đầu thập niên 80.
Các tin liên quan
SED hoạt động tương tự màn hình CRT. Nhưng thay vì được trang bị một hộp electron và nam châm cồng kềnh ở phía sau để hướng chùm electron tới các pixel của màn hình, SED dùng những bộ truyền electron nhỏ được gắn ngay sau mỗi pixel. Nhờ đó, màn hình có thể được thiết kế phẳng như OLED, LCD và Plasma, cũng như đạt độ phân giải tương đương hoặc cao hơn HD. Canon cho hay nguồn electron nằm sát pixel và lớp phủ màn hình photpho sẽ giúp TV SED tiêu thụ rất ít năng lượng.
*Canon một mình sản xuất TV SED
*Canon sản xuất đại trà TV SED vào năm 2008
*Canon trễ hẹn bán ra TV SED
Từ 3 - 4 năm trước, Canon và Toshiba đã hứa hẹn bán ra TV SED có kích thước 55 inch. Nhưng kế hoạch này bị trì hoãn do công ty Nano-Proprietary (Mỹ) kiện Canon đã sử dụng trái phép công nghệ ống nano carbon của họ. Giới quan sát hy vọng sự việc sớm kết thúc và hãng điện tử Nhật có thể cho ra mắt sản phẩm trong năm 2008.
Tuy nhiên, Toshiba đã bán cổ phiếu của họ trong công ty liên doanh với Canon khiến hãng này thành đơn vị duy nhất sản xuất TV SED. Hơn nữa, cuộc chiến pháp lý với Nano-Proprietary có khả năng làm cho họ quá mệt mỏi để có thể tiếp tục theo đuổi.
LCoS đã được ứng dụng trong các dòng máy chiếu. Ảnh: Flickr. |
LCoS
Khi tương lai của SED còn bất ổn, người tiêu dùng lại chú ý tới một công nghệ khác - LCoS (Liquid Crystal on Silicon). LCoS sử dụng phương pháp sản xuất chip chuẩn để nhúng các pixel tinh thể lỏng lên bề mặt chip. Hình ảnh sản sinh ngay trên chip rồi được khuếch đại và hiển thị trên màn hình.
Các bài liên quan
Những TV LCoS đầu tiên tích hợp 3 chip, mỗi chip đảm nhiệm một màu (đỏ, xanh dương và xanh lá cây) nhưng về sau, một chip đã có thể phát cả ba màu. Một bước tiến mới của LCoS là nó được nâng cấp từ công nghệ 90 nm sang 65 nm, giúp nhà sản xuất thu nhỏ kích thước và tăng số pixel LCD trên chip để cải thiện độ phân giải.
*LCoS đang hồi sinh
*HDTV công nghệ LCoS của Brillian
*Công nghệ LCOS - hy vọng của tương lai?
Việc Intel từng tán tụng rồi lại nhanh chóng bỏ rơi khiến LCoS không còn được đánh giá cao. Tuy vậy, một số công ty, trong đó có Sony, đã ứng dụng kỹ thuật này vào các dòng máy chiếu còn JVC cũng dự định cho ra mắt 3 mẫu TV LCoS với giá khoảng 3.300-4.496 USD.
TV Laser là phương pháp cải tiến cho LCD, DLP và LCoS. Ảnh: SMH. |
Laser
Chưa có TV laser nào được bán trên thị trường nhưng tương lai của loại sản phẩm này cũng khá sáng sủa. Mitsubishi khẳng định sẽ giới thiệu một hệ thống như thế tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2008 ở Las Vegas (Mỹ) tháng 1/2008.
Các bài liên quan
TV laser thực ra không phải là một dòng TV riêng. Nó chỉ là phương pháp cải tiến cho LCD, DLP (máy chiếu) và LCoS. Ba công nghệ này đòi hỏi nguồn sáng riêng và sử dụng bóng đèn để phát ánh sáng trắng, sau đó mới tách ra thành chùm sáng đỏ, xanh dương và xanh lá cây.
*TV máy chiếu laser đe doạ TV 'mỏng'
*Laser sẽ thay thế TV máy chiếu?
*TV máy chiếu dùng tia laser xanh
TV laser thay thế bóng đèn bằng các tia laser, cho phép hệ thống có thể hiện thị gần như tất cả các màu mà mắt thường nhìn thấy được. Giới sản xuất DLP và LCoS cũng chờ đợi công nghệ này giúp họ cho ra đời những sản phẩm mỏng hơn.
(Theo VnExpress)