Teac có mặt máy làm bằng hợp kim nhôm phay với hệ thống cửa đĩa, màn hình và các nút điều khiển được bố trí đăng đối, hiện đại. Màu vàng lửa nổi trên nền đen của hàng chữ số hiển thị đem lại cho người xem một cảm giác tân kỳ và hấp dẫn về sản phẩm.
Nhưng bí mật thực sự của dòng Teac VRDC không phải ở bên ngoài mà chính là ở cấu trúc bên trong. Sau khi thận trọng tháo hết 2 lớp nắp máy chắc nặng, bạn sẽ nhìn thấy ngay sự khác biệt của Teac VRDS so với các loại đầu đọc khác.
Có thể nói điểm nhấn làm nên sự khác biệt của đầu đọc Teac so với sản phẩm của nhiều hãng khác chính là bộ cơ VRCD, một kết cấu được Teac sáng chế và độc quyền sản xuất.
Bộ cơ VRDS là một cơ chế đọc đĩa chống rung được thiết kế dựa trên nguyên tắc đĩa CD được nâng lên ở vùng ngoại vi, còn phần tâm đĩa được nâng với một lực nhẹ hơn. Mục đích của cơ chế VRDS là tạo ra một cơ chế hoạt động chặt chẽ, ổn định và tác dụng chống rung cao khi đọc đĩa. Sáng chế bộ cơ VRDS của hãng được ứng dụng ở tất cả các đầu đọc cao cấp của Teac (gồm cả Tascam, Esoteric). Hơn thế, nhiều hãng chế tạo đầu đĩa danh tiếng nhất trên thế giới cũng mua bộ cơ VRDS của Teac để ráp trong các sản phẩm của mình.
Trong máy Teac VRDS-10SE, bộ cơ được bố trí chính giữa, phía sau là biến thế cấp nguồn cho toàn máy được bọc kim kỹ. Phần nguồn cho digital và analog được cấp điện riêng từ hai bộ nắn lọc độc lập. Bo mạch bên phải máy có tác dụng xử lý các tín hiệu điều khiển cho phần cơ. Bo mạch bên trái xử lý tín hiệu số và chuyển đổi số - tương tự (DAC).
Mạch DAC của máy sử dụng hai con IC giải mã TDA-1547 độc lập cho mỗi kênh. Tầng analog dùng IC khuyếch đại thuật toán loại NJM2114L. Vỏ của chip vi xử lý, chip DAC và các tụ hóa lớn đều có một lớp đồng mỏng dán lên để tránh nhiễu. Nhìn chung, kết cấu của Teac VRDS-10SE khá chắc chắn, chất lượng chế tạo đáng tin cậy.
Đặc trưng của Teac VRDS-10SE là thể hiện được âm thanh rõ nét, chi tiết của từng nhạc cụ hoặc giọng hát được bóc tách thật rõ ràng. Với các đĩa nhạc pop có tiết tấu nhanh, mạnh, dứt khoát, đầu đọc xử lý rất tự tin. Khả năng đáp ứng về tiết tấu, nhịp điệu của bản nhạc khó có thể chê được. Tính không gian, âm hình... trong âm thanh của Teac VRDS-10SE tuy chưa thật xuất sắc nhưng cũng xứng đáng là "đối thủ đáng gờm" của các đầu đọc ngang giá khác.
Tuy nhiên, khi chơi các đĩa nhạc jazz có tiết tấu chậm, thế mạnh này chưa được phát huy. Mặc dù máy chạy đôi giải mã TDA-1547, một loại chip cho độ ấm và dẻo trong những đầu Marantz hoặc Philips.
Với loa JBL-4312 có loa treble đom bằng titan, bộc lộ được khả năng xử lý giải cao của ampli và đầu đọc và ampli Denon PMA-1500R, Teac VRDS-10SE cho ra rất nhiều chi tiết, nhưng đến những đoạn cao trào có nhiều trung cao và treble thì âm thanh hơi bị chói.
Khi chuyển qua ampli Marantz PM-7200, âm thanh được cải thiện đáng kể, chất giọng trầm và ngọt làm dịu được dải cao của loa và đầu đọc, âm thanh toàn dải nghe cân bằng và hấp dẫn hơn.
Với ampli Accuphase E-206, âm thanh vừa ấm, vừa đầy mà vẫn giữ được tính chi tiết. Có thể nói Accuphase E-206 là giải pháp tốt nhất về âm thanh với Teac VRDS-10SE.
(Theo Nghe Nhìn)