Một model của JVJ (Singapore). Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo các cửa hàng bán lẻ thiết bị nghe nhạc MP3/MP4, thị trường này năm nay phát triển mạnh hơn năm ngoái. Ông Trần Xuân Kiên, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trần Anh, công ty chuyên cung cấp máy nghe nhạc của tất cả các hãng, cho biết, tháng 12 năm ngoái bán được 400 máy MP3 và MP4 nhưng cùng thời điểm năm nay, ước tính doanh số đạt trên 1.000 máy.
Giá máy nghe nhạc hiện giảm khá nhiều do giá bộ nhớ flash đang hạ. Trong tháng 6, một máy nghe nhạc hiệu JVJ hay JXD dung lượng 512 MB có giá khoảng 120 USD thì đến tháng 12 này, chỉ còn khoảng 60-70 USD; Transcend 610 và 620 phiên bản 512 MB, vào tháng 10 có giá 70 USD, nhưng tháng 12 giảm xuống còn 60 USD.
Thêm đối thủ cạnh tranh
Giá máy nghe nhạc giảm do giá bộ nhớ flash hạ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh giá cả, năm nay, thị trường MP3/MP4 đã thu hút được sự chú ý của một số nhà đầu tư. Đầu năm 2006, công ty Nguyễn Đức đưa nhãn hiệu Wemo, một nhãn hiệu khá phổ biến của Trung Quốc vào thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 2 đến tháng 12, thương hiệu này đã được người tiêu dùng chấp nhận và cạnh tranh được với những tên tuổi đã làm mưa, làm gió trên thị trường từ năm ngoái như JXD (Trung Quốc), JVJ (Singapore) hay Transcend (Đài Loan).
*Máy nghe nhạc bán chạy tháng 10 |
*iPod Nano 2G bán tốt tại châu Á |
*'Nhái' cả MP3 Trung Quốc |
tầm thị trường trung và cao cấp, tầm giá từ 70 USD trở lên, năm nay có sự gia nhập của iAudio và iRiver, hai tên tuổi nổi tiếng của Hàn Quốc. iAudio xuất hiện từ tháng 9, và không lâu sau đó iRiver ra mắt. Điểm mạnh của hai nhãn hiệu trên là nó đã có tiếng trên thị trường thế giới, tuy nhiên, giá của những dòng máy này khá cao lượng tiêu thụ chưa nhiều. Sản phẩm bán chạy nhất của iAudio và iRiver là những máy giá khoảng 1,6-2 triệu đồng, như iAudio U2 (512 MB), giá 112 USD, hay iRiver T10 (512 MB), giá 118 USD.
Các 'ông lớn' chưa đầu tư đúng mức
Samsung YP-U2X. Ảnh: Clubic. |
iPod và Creative hai hãng tên tuổi nhất nhì trên thế giới cũng đã có công ty phân phối tại Việt Nam: iPod do công ty Ben và Creative do SVC chịu trách nhiệm, nhưng trong thời gian qua họ không xây dựng được thị trường cho mình. Phần lớn người dùng iPod và Creative tại Việt Nam đều mua hàng xách tay. Văn Khôi (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, khi mua chiếc iPod Nano 2 GB của mình, cậu đã rất chật vật đi tìm thông tin về công ty phân phối sản phẩm chính hãng nhưng không thấy, cuối cùng đành mua tại một cửa hàng điện tử trên đường Hai Bà Trưng.
Trái ngược với năm ngoái, năm nay, Sony dường như không mặn mà lắm với thị trường MP3/MP4. Ngoài các sản phẩm đã có từ năm ngoái như NW-E002 (E003, E005), E300 và E500 cùng các máy dùng ổ cứng NW-A3000 (A1000), năm nay Sony không đưa ra thêm mẫu máy nào.
Samsung năm nay cũng có một số sản phẩm mới, như YP-U2X (U2Z) và dòng YP-Z5F. Máy YP-Z5 được quảng cáo khá nhiều khi mới ra mắt nhưng không bán chạy do máy thuộc dòng hi-end, nên giá cũng khá cao: 3.150.000 đồng (1 GB) và 3.750.000 đồng (2 GB).
Trong thời gian tới, thị trường thiết bị nghe nhạc sẽ sôi động hơn do có sự tham gia của nhiều thương hiệu mới. Đầu năm sau dự kiến Yepo, một thương hiệu của Trung Quốc, và Mpio, một thương hiệu máy nghe nhạc cho tuổi teen của Hàn Quốc sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Thanh Vân