Bức "Ngoại ô Sài Gòn" của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. |
Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn, khóa 2 năm 1958. Một năm sau, chị lại tốt nghiệp thủ khoa khóa Sư phạm Hội họa. Chị đã trải qua hơn 40 năm miệt mài cùng cọ vẽ, cùng giá vẽ và cả đôi chân không biết mỏi khi phải lang thang từ Nam chí Bắc, từ miền Tây sông nước đến miền Trung khô cằn sỏi đá... Đi nhiều, mở rộng tầm nhìn hơn về con người, về đất nước Việt Nam yêu thương, từ đó, chị chuyển tải hết những gì mắt thấy tai nghe đến công chúng xem tranh.
Được đào tạo từ trường lớp vẽ tranh sơn dầu, thế nhưng chị lại bén duyên với tranh lụa. Tuy vậy, dù vẽ tranh sơn dầu hay tranh lụa, chị đều thể hiện sự vật một cách chân thật. Qua tranh, chị thi vị hóa đời thường, làm cho cuộc đời nhẹ nhàng, bớt căng thẳng hơn. Hầu như chị vẽ hết mọi đề tài từ lịch sử con người đến phong cảnh... gần có, xa có... tất cả đều mang đậm dấu ấn cá nhân và sự chân thật, song đề tài tâm huyết nhất của chị vẫn là tranh phong cảnh.
Với họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, điều quan trọng nhất là vẽ chân thật, không hư cấu, không bịa đặt theo trí tưởng tượng, mà đích thân chị đến tận nơi để thưởng ngoạn, để vẽ. Phải chăng vì thế người xem luôn bắt gặp trong tranh của chị những hình ảnh thân quen, rất thật, cứ ngỡ như mình đang đứng trước những nơi ấy.
Ngay từ khi bước vào thế giới hội họa, chị luôn tự đặt cho mình những câu hỏi: vẽ làm gì, vẽ cái gì, phục vụ ai? Cuối cùng, chị đã tìm ra hướng đi cho mình: khuynh hướng hiện thực. Chị muốn lưu giữ tất cả những khung cảnh, cuộc sống hết sức thực, không che giấu nội tâm thầm kín, không ẩn chứa những điều bắt bí nhau, gây khó hiểu đối với người khác...
Bức "Thu Hội An". |
Khi xem tranh của chị, người xem dễ có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, thư thái tâm hồn bởi tông màu trắng tinh khôi. Tuy trắng nhưng vẫn tạo được chiều sâu và bức tranh trở nên nhẹ nhàng, thoáng đãng hơn. Với quan điểm họa sĩ là một nhân chứng của thời cuộc, chị đã phác họa chân thực những gì mình thấy được, nghe được của cuộc sống đương đại để lưu truyền cho thế hệ mai sau; đồng thời gửi gắm suy nghĩ. Chẳng hạn bức Đi về nơi đâu, họa sĩ mượn hình ảnh những chiếc lá bàng đang lìa cành, theo gió cuốn trôi dập dềnh trên dòng sông tím ngát để nói lên thân phận con người: bon chen nhiều thì cuối cùng cũng có ngày gửi thân nơi đất mẹ. Mỗi nơi chị đặt chân đến đều được lưu dấu qua những bức tranh chị thể hiện. Phải có cái nhìn tinh tế lắm mới có thể phác họa được từng góc độ của hiện vật không chỉ là phong cảnh hùng vĩ nên thơ, không chỉ quang cảnh của một buổi họp chợ chốn thị thành, hay một con đò chiều bảng lảng bóng hoàng hôn... mà chị còn thể hiện cả những điều bình thường nhất, đó là hình ảnh những cánh sen đang úa tàn. Tất cả đều được cây cọ của chị khắc họa một cách đậm nét, pha lẫn thi vị hóa. Từng nét vẽ mềm mại, uyển chuyển trong tranh của chị đẹp và mượt mà như một bài thơ trữ tình sâu lắng.
(Theo Mỹ Thuật)