Sáng 5/2, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố khai mạc triển lãm chuyên đề "Mỹ thuật Tây Nguyên". Sảnh chính của bảo tàng được thiết kế như một góc nhà sàn thu nhỏ. Ở đó có ché rượu cần to mời gọi khách đưa môi, vít cần nếm thử đặc sản của núi rừng, có dàn cồng chiêng tuổi đời hàng trăm năm, có ghế bàn Kpan, loại vật dụng được người Ê đê sử dụng và xem như vật biểu hiện sự sung túc của gia đình...
Một bức tượng nhà mồ Tây Nguyên mô tả người ngồi đội nồi đồng. |
Tại triển lãm, người xem có thể tận mắt nhìn ngắm những đồ dùng đời thường của người Tây Nguyên như ghế ngồi bếp, quả bầu khô, tẩu thuốc lá, gùi, cối giã gạo, cối giã tiêu... Những vật dùng trong lao động, chiến đấu như: nỏ, khiên, giáo... Và cả sản phẩm cho hoạt động tinh thần như cồng chiêng, trống, tượng điêu khắc...
Bên cạnh hiện vật dân gian, triển lãm còn giới thiệu 70 tác phẩm gồm tranh, tượng của điêu khắc gia người Chăm Đinh Rú và họa sĩ Tây Nguyên Xu Man. Các bức tượng của Đinh Rú cho thấy bàn tay khéo léo, tinh tế và một tâm hồn nghệ sĩ giàu cảm xúc. Từ những khối gỗ, đồng, Đinh Rú mang người xem hình ảnh người mẹ, người vợ, người thiếu nữ miền cao đẹp hoang sơ và đầy sức sống.
Đến với tranh của cố họa sĩ Xu Man, độc giả có thể hiểu những nét sinh hoạt bình dị, đặc trưng của người Tây Nguyên. Bà Mã Thanh Cao, đại diện bảo tàng cho biết, Xu Man là một họa sĩ độc đáo cả trong tác phẩm lẫn cuộc sống riêng. Khoảng cuối những năm 90, bảo tàng có mua các bức tranh của họa sĩ này để lưu giữ với số tiền bản quyền là 90 triệu đồng. Sau đó ít lâu, đoàn cán bộ bảo tàng lên Tây Nguyên thăm ông thì được biết ông cho bạn bè, ngưới quen xung quanh mượn hết số tiền và được họ trả nợ bằng nải chuối, con gà... "Họa sĩ Xu Man được cất cho một ngôi nhà lầu khang trang, nhưng ông không chịu ở căn nhà này mà đến sống tại một căn nhà lá trong rừng và miệt mài sáng tác", bà Thanh Cao kể. Sự hồn nhiên, gần gũi với đất đai, cây cỏ và hồn núi rừng được Xu Man thể hiện đậm nét qua các họa phẩm của ông.
Có mặt tại buổi khai mạc, nhà thơ Lưu Trọng Văn chia sẻ, triển lãm chuyên đề Mỹ thuật Tây Nguyên là dịp quý giá để khán giả có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa mang đậm bản sắc núi rừng và thấm đẫm hồn dân tộc.
* Hình ảnh hiện vật Tây Nguyên qua triển lãm |
Tin, ảnh: Thoại Hà