"Nếu không tin trung ương thì bà lên đâu, lên giời à?".
Câu hỏi thách thức của chánh văn phòng tỉnh Chu Thị Mỡi cho bà Hoài, người phụ nữ có chồng đang bị oan, sau ba mươi năm vẫn khiến khán phòng của Nhà hát Tuổi trẻ lặng xuống.
Những khoảng lặng như thế, đôi khi là cả những giọt nước mắt lấp lánh trên gương mặt khán giả, là khung cảnh thường thấy trong những lần diễn vở "Lời thề thứ 9" của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ suốt 30 năm qua. Và đó không phải vở duy nhất gây xúc động xuyên thời gian. Trong bối cảnh sân khấu kịch gặp nhiều khó khăn, thì cứ mỗi lần kịch Lưu Quang Vũ được dựng lại, nhà hát lại đỏ đèn.
Ba mươi năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, báo VnExpress thực hiện một chuỗi phỏng vấn 5 diễn viên từng gắn bó với các nhân vật của ông. Họ không chỉ nói về vai diễn, mà nói về những thông điệp xã hội Lưu Quang Vũ đưa ra. Chúng đều còn nguyên giá trị đến hôm nay.
NSND Hoàng Dũng nói về cơ chế hình thành "lợi ích nhóm", thứ khái niệm phổ biến trong thời đại hiện nay, đã được Lưu Quang Vũ khái quát bằng cặp phạm trù "Tôi và chúng ta". Từ vai diễn, ông nói về những kẻ bề ngoài vì tập thể, đất nước, vì "chúng ta" nhưng bên trong lại mưu cầu lợi riêng.
NSND Tuấn Hải kể về một hoạt cảnh có thật. Trong lúc trên sân khấu, ông đang diễn vai một tay cán bộ thích hình thức trong vở Bệnh sĩ, thì ở dưới khán phòng, một quan chức dắt một đoàn tiền hô hậu ủng vào nhà hát, chiếm chỗ khán giả đến trước. Khán phòng khi ấy lại thành nơi minh họa cho thông điệp sân khấu.
NSND Lê Khanh tin rằng những nhân vật như bà Hoài, những con người thấp cổ bé họng tuyệt vọng trong hành trình đi tìm công lý, vẫn còn nhiều trong xã hội hôm nay. Họ vẫn không thể gửi đơn lên giời.
- Không tin xã bà lên huyện. Không tin huyện bà lên tỉnh. Không tin tỉnh, chắc bà lên trung ương?
- Vâng
- Nếu không tin trung ương thì bà lên đâu, lên giời à?
- Nếu như lên được. Khốn nỗi không có giời. Ngày xưa còn đổ cho giời được, bây giờ biết là chỉ còn có người thôi. Chứ nếu có giời, thì tôi cũng lên. Hoặc nhờ bác Phạm Tuân bác ấy cầm đơn lên gửi giời hộ.
Tôi diễn vai bà Hoài trong Lời thề thứ 9 lần đầu vào những năm 1990. Thuở đó, mỗi ngày Nhà hát Tuổi trẻ diễn ba đến bốn suất. Tôi không quên những đêm diễn mà các nhân vật nói câu nào khán giả vỗ tay câu đấy. Tiếng cười như vỡ tung, câu nói châm biếm phản ánh đúng, trúng cái bức bối lòng người.
Tôi cho rằng Lưu Quang Vũ đã nhào nặn nhân vật điển hình trong xã hội. Bà Hoài đại diện cho lớp người thấp cổ bé họng, người phụ nữ khí phách, nhẫn nại, không khuất phục trước khó khăn. Thời chiến tranh, họ là hậu phương, đội nắng che mưa nuôi giấu chiến sĩ, cán bộ. Vậy mà sang thời bình, một bộ phận vì cái lợi trước mắt quên đi những tháng ngày đã qua. Ba lần bảy lượt, nhân vật bà mẹ đi khiếu nại bị cán bộ hắt hủi, hạch sách, nạt nộ. Mọi việc không diễn ra xuôi chiều. Bà uất hận, mất niềm tin vào Đảng bộ, chính quyền – những giá trị được lập nên từ máu xương, mồ hôi nước mắt của toàn dân. Thế nhưng, càng gặp điều tai ương, đối nghịch, nhân vật càng bám trụ khiếu nại đến cùng.
Xã hội hiện nay không thiếu hình ảnh bà Hoài, bạc đầu, còng lưng cầm đơn đi kiện. Hơn 40 năm chiến tranh đi qua, con người tưởng chừng bình ổn nhưng thật ra phải đấu tranh với lòng tham, thói cửa quyền. Cuộc chiến này còn ác liệt hơn chiến tranh quân sự. Nỗi đau khôn tả. Mặt sau những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội còn lắm những bề bộn và ngổn ngang.
Y tế, giáo dục, đất đai... lĩnh vực nào cũng gây nhức nhối. Ở đó người ta không chỉ thấy hình ảnh của bà Hoài đương thời mà còn nhiều thế hệ. Nhiều người dân quê hạn chế hiểu biết dễ dàng trở thành nạn nhân của các chính sách mập mờ trong việc giải quyết đất đai. Họ chờ đợi công lý, sự minh bạch trong mòn mỏi.
Tôi nghiệm ra hiện nay nhiều người tìm đến đạo pháp, Phật pháp. Một phần họ bị stress trong nhu cầu mưu sinh. Một phần, họ tìm niềm tin ở tôn giáo thay vì tin vào công lý, điều thiện lương ở cuộc sống thực tại. Mọi vấn nạn xã hội thời Lưu Quang Vũ đến nay không thay đổi là bao. Người ta vẫn đầy nỗi lo toan, trăn trở và thiếu điểm tựa. Tiếng nói và vị thế con người trong xã hội bị đồng tiền, quyền lực, danh lợi chi phối.
- Cái kế hoạch sản xuất ấy ở đâu ra, anh Chính?
- Ở cấp trên ạ.
- Nhưng cấp trên dựa vào đâu mà ra cái kế hoạch đó?
- Có lẽ... dựa vào kế hoạch ở cấp trên cao hơn, dĩ nhiên!
Năm 1985, lúc đó, tôi mới ngoài 20 tuổi. Hàng ngày, tôi ngồi dưới xem một anh diễn viên lớn tuổi hơn đóng phó giám đốc Chính. Một ngày, đạo diễn Hoàng Quân Tạo bất ngờ yêu cầu tôi tập thử một đoạn. Vì quá yêu thích nhân vật này, tôi đã thuộc lòng lời thoại và diễn đi diễn lại nhiều lần ở nhà. Đạo diễn khá bất ngờ vì tôi thể hiện tự nhiên, khớp với các bạn diễn còn lại. Những ngày sau đó, tôi và đàn anh tập song song. Sát ngày công diễn, khi tôi không còn nhiều hy vọng thì đạo diễn bất ngờ thông báo tôi được chọn.
Sau đêm công diễn, chúng tôi lập tức mở suất phục vụ. Trong suốt ba tháng, Nhà hát Kịch Hà Nội triền miên diễn Tôi và chúng ta, ngày nhiều ba buổi, ngày ít hai buổi, không có ngày nào một buổi. Ban ngày chúng tôi diễn ở rạp Hồng Hà, tối về biểu diễn ở rạp Công Nhân.
Khi tôi đi diễn ở Đà Nẵng, Hải Phòng, nhiều tụ điểm bán vé video phát vở kịch Tôi và chúng ta được mở. Khi chúng tôi mang tác phẩm vào TP HCM, khán giả đón nhận ngoài sức tưởng tượng của đoàn. Trước đó, các cán bộ văn hóa yêu cầu chỉnh sửa câu từ cho nhẹ nhàng, bớt tính đả kích, châm biếm hơn.
Ở buổi công diễn tại TP HCM, một vị cán bộ từ Hà Nội vào ra sức tán thưởng, khen ngợi. Thực ra, người này có mặt trong hội đồng kiểm duyệt trước đó. Thế nhưng ông ta thậm chí còn chẳng nhớ từng bắt chúng tôi cắt gọt, chỉnh sửa những gì.
Đạo diễn, một số bạn bè thường trêu chọc vì tôi thích nhân vật phản diện. Với tôi, vai Chính hay bởi ở ông ta có sự chuyển biến tâm lý rõ rệt. Từ một kẻ bảo thủ, mưu mô đến cùng cực, luôn gây khó khăn cho nhiều đời giám đốc và đặc biệt là Hoàng Việt, ông ta cúi đầu nhận tội là tác giả cái thai của Ngà ở cuối vở. Cái cúi đầu thể hiện sự chùn bước trong cuộc đấu tranh giữa phe bảo thủ và phe đổi mới. Giám đốc Chính trong vở kịch làm lũng đoạn, đình trệ xưởng sản xuất Thắng Lợi bởi tư tưởng bảo thủ, cổ hủ, ích kỷ của mình.
Theo tôi, Chính rõ ràng là người xấu. Anh ta đại diện cho sự trì trệ, tư tưởng "theo đóm ăn tàn" của đại đa số lãnh đạo trong xã hội lúc bấy giờ. Anh ta thường lấy nghị quyết Đảng ủy, chủ trương của cấp trên để bảo vệ quan điểm cá nhân. Chính từng nói với Hoàng Việt bằng giọng đạo đức, ân tình: "Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội phủ nhận".
Anh ta bảo vệ những cơ chế quản lý, vận hành cũ với lý do vì xí nghiệp. Chính ra rả sản xuất phải theo kế hoạch cấp trên đề ra. Thực chất anh ta sợ việc thay đổi ảnh hưởng đến quyền hành, lợi ích bản thân, vì thế, anh ra sức bảo vệ những cái cũ, bất chấp việc chúng lỗi thời, lạc hậu để có thể tư lợi. Có thể nói, bề ngoài Chính đấu tranh vì "chúng ta" nhưng thực chất để bảo vệ "cái tôi" ích kỷ, tham lam của anh ta.
Sự bảo thủ, mưu mô, nịnh bợ cấp trên như Chính vẫn tồn tại ở nhiều cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức. Những người này cấu kết với nhau, hình thành nhóm lợi ích. Bề ngoài, họ hoạt động vì tập thể, đất nước, vì "chúng ta" nhưng bên trong lại mưu cầu quyền lợi riêng. Trước kia, Đảng xác định dân có giàu thì nước mới mạnh, tức là cái tôi cần được chăm chút để phát triển cái chúng ta. Tôi nghĩ tư tưởng này ngày nay phần nào bị bẻ lái.
Cái "tôi" hiện quá lớn. Dân cũng có nhiều thành phần trục lợi. Họ thậm chí là những cán bộ quyền cao chức trọng, tham nhũng, bòn rút của chung. Khi những người dân - cái tôi ấy - giàu lên, nước không thể mạnh. Việc hàng loạt quan chức cấp cao bị bắt, xử tội gần đây là một minh chứng. Còn nhiều những giám đốc Chính vẫn tồn tại ngoài đời thực, kéo tụt sự phát triển của đất nước.
Khoan
khoan đã! Cấp bách bây giờ là phải lo sao cho lễ báo công và việc tuyên truyền
thành tích của xã. Cứ để tàu phân đạm họ đợi mấy hôm nữa,
chưa bốc phân cũng chưa chết.
Sau bốn ngày Lưu Quang Vũ qua đời, tác phẩm Bệnh sĩ lần đầu được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn, dưới sự dàn dựng của đạo diễn, NSND Đình Quang.
Đây là vở kịch cuối cùng của Lưu Quang Vũ, được hoàn thành đúng năm anh mất - 1988.
Năm 2014, tôi đề nghị lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam phục dựng tác phẩm và nhanh chóng được chấp thuận. Trước khi bắt tay vào đạo diễn, tôi cùng một số anh chị em trong đoàn đến thắp hương cho anh Vũ tại nhà con trai anh ở Giảng Võ, Hà Nội. Sau đó, chúng tôi còn thăm mộ anh ở nghĩa trang Văn Điển.
Trong bối cảnh khó khăn của sân khấu nói chung hiện nay, hiếm vở đạt hơn 100 đêm diễn. Thế nhưng Bệnh sĩ lần lượt cán mốc 150, 200 và đến nay đạt gần 300 đêm. Tôi nghĩ đó là may mắn của mình.
Theo tôi, nhân vật Toàn Nha không xấu, ông ta ngu dốt một cách hồn nhiên, vô tư và chân thật. Do nhận thức kém cộng với tính sĩ diện hão, ông ta tìm đủ mọi cách để dối trên lừa dưới, làm láo báo cáo hay.
Khi phóng viên về thăm xã, ông ta bắt học sinh nghỉ học, biến lớp học thành chuồng lợn, thành khu Chăn nuôi cao cấp. Kho lông ngan, lông vịt để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất phất trần, chổi lông gà không đủ thì chất những bao rơm bên dưới, để những bao lông gà lông vịt lên trên... Khi cô con gái ông, người có trình độ đại học phản đối những hành động của bố, ông ta lớn tiếng: "Tao học lớp bốn thật, nhưng tao lãnh đạo cả cái xã này, cái xã này được như ngày hôm nay là nhờ tao, ơn tao ...".
Toàn Nha trở thành một nhân vật điển hình của sự ngu dốt, lố bịch và rồ dại. Là tâm điểm của sự châm biếm, đả kích của bà con trong cuộc sống. Ngày nay, bệnh sĩ diện hão, rởm đời ngày càng trầm trọng, trở thành một chứng bệnh trầm kha của xã hội. Mỗi người sĩ một kiểu khác nhau. Phụ huynh thì chạy chọt điểm cho con để vào trường này trường nọ, để nở mày nở mặt với đời. Các nghệ sĩ thì khoe khoang đủ thứ hàng hiệu, tiền tỷ nhưng thực tế lại dùng hàng rởm, đồ đi mượn...
Đối với tầng lớp quan chức, lãnh đạo, bệnh sĩ càng trở nên nguy hiểm. Một ông Toàn Nha thôi, đã khiến đời sống người dân xã Hùng Tâm rối loạn. Vậy mà có hàng trăm, hàng nghìn ông Toàn Nha đang làm đảo lộn nền kinh tế đất nước. Ông Toàn Nha trong kịch còn không tham nhũng, nhưng dân đã khổ đến vậy rồi. Những ông Toàn Nha ngày nay còn mắc thêm bệnh tham nhũng. Họ lấp liếm, che đậy bởi bệnh thành tích. Nhưng "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Hàng trăm doanh nghiệp của nhà nước, tư nhân phải thừa nhận thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều cán bộ cấp cao trốn ra nước ngoài hoặc bị bắt. Đó là thực trạng đáng buồn mà những ông Toàn Nha của thời hiện đại gây ra.
Tôi nhớ năm 2014, một lãnh đạo cấp cao từng dẫn quân đi xem Bệnh sĩ. Hôm đó, chúng tôi phải xin lỗi khán giả để nhường chỗ cho đoàn quân gồm 30 người của ông ta. Toàn Nha chỉ có một cố vấn Văn Sửu thôi đã đủ lũng đoạn rồi. Tôi từng tự hỏi 30 kẻ theo đuôi kia liệu sẽ gây ra những hậu quả gì... Quả thật, cuối năm ngoái, vị cán bộ cấp cao đó bị bắt, trở thành sự kiện chấn động.
"Không biết là tôi đã quá tự tin hay là bởi trái tim tôi đã nguội?"
Lời thề thứ 9 ra đời năm 1986, công diễn năm 1988. Lúc đó, Nhà hát Tuổi trẻ lên lịch đi diễn xuyên Việt. Nhà hát đau đầu nghĩ phương án dựng thêm vở cho "xôm trò". Vợ tôi làm trong Đoàn Kịch Quân đội nên tôi may mắn được xem vở Lời thề thứ 9 mà đơn vị này mới dựng. Tôi đề nghị lãnh đạo duyệt vở, đồng thời nhờ đạo diễn Xuân Huyền dựng gấp. Trong tám ngày, vở kịch hoàn thành.
Tác phẩm ra đời trong không khí đất nước sôi sục thực hiện công cuộc Đổi mới, theo chủ trương của Đại hội Đảng 6 diễn ra năm 1986. Đây là thời kỳ đất nước đã hoàn thành cuộc chiến tranh vệ quốc, bước vào công cuộc xây dựng nền kinh tế. Trong quá trình đổi mới, nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh, trở thành trào lưu. Nhân vật Quách Văn Tuần điển hình cho những đảng viên, cán bộ thoái hóa, không khác gì lũ cường hào ác bá đàn áp người dân.
Nhân vật Chủ tịch Hà do tôi thể hiện không phải
là người xấu, ông ta là một người tốt nhưng không hoàn hảo. Vì bận, Chủ tịch Hà
không bao quát, chăm lo đời sống nhân dân, từ đó nảy sinh quan liêu.
Nhân vật này ở giữa hai tuyến tích cực và tiêu cực. Tôi vẫn nhớ câu nói của Chủ tịch Hà vào cuối vở: "Không biết là tôi đã quá tự tin hay là bởi trái tim tôi đã nguội". Ông Hà tự tin bởi từng là sư đoàn trưởng. Ông cho rằng việc lãnh đạo người dân cũng tương tự như chỉ huy một đội quân. Sự tự tin thái quá khiến ông xa rời người dân, thờ ơ, vô cảm với những vấn đề của họ. Ông không thực sự gần dân, nghe dân, là đầy tớ của dân và để dân làm chủ. Ông cũng tự thấy rằng trái tim mình đã chai sạn, hờ hững với cả những điều thiêng liêng mà ông từng quyết đổ máu để bảo vệ.
Đến nay, thông điệp tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, là tiếng nói từ đáy lòng của người dân. Vở kịch cũng nhắc nhở nhiều cán bộ ở vị trí cao, khi đạt được quyền lực, trái tim họ dần "nguội lạnh" bởi mưu cầu cá nhân. Trong nhiều kỳ đại hội, các lãnh đạo Trung ương thừa nhận "không ít đảng viên tiêu cực, tham nhũng". Số "không ít" ấy phải chăng đang nhiều dần lên? Hàng loạt cán bộ cấp cao bị bắt gần đây là minh chứng cho thực trạng đau lòng này. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ nguội lạnh ngay lập tức nếu chúng ta dừng lại một nhịp. "Trên nóng, dưới lạnh" là tình trạng chung của bộ máy điều hành, khi trung ương chủ trương nhiều chính sách đổi mới nhưng địa phương thờ ơ theo kiểu "quan thì xa, bản nha thì gần". Vì thế, nếu lãnh đạo trung ương không sát sao, sáng suốt, tình trạng thất thoát tiền của, công sức của nhân dân sẽ không có hồi kết.
Tôi còn nhớ cuối năm 1988, Nhà hát Tuổi trẻ kéo quân vào Nha Trang biểu diễn. Thời tiết bất lợi, mưa tầm tã, cây đổ rạp nhưng khán giả vẫn đông nườm nượp. Tôi mời Chủ tịch tỉnh Nha Trang lúc bấy giờ đến xem để thăm dò ý kiến. Nếu ông ấy phê bình, chúng tôi sẽ tiếp thu, khắc phục ở những tỉnh khác. Lúc lên tặng hoa cho tôi, ông cười, vỗ vai động viên: "Chủ tịch này ra chủ tịch tỉnh đấy". Sau mỗi buổi diễn, nhiều cựu chiến binh ôm lấy tôi khóc nức nở, tâm sự: "Các anh đã nói hộ nhân dân, nói hộ những trăn trở của chúng tôi".
Trước mỗi buổi diễn, tôi đều cho dựng một bức trướng có hình ảnh anh Lưu Quang Vũ với dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Lưu Quang Vũ". Trước khi lên sân khấu, cả đoàn đều thắp hương tưởng nhớ anh. Hành động ấy tạo cho anh em niềm tin, ý thức trách nhiệm linh thiêng.
Điều tiếc nuối của tôi là thời bấy giờ, Lời thề thứ 9 không được tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc. Vở diễn ban đầu do Đoàn Kịch Quân đội dựng. Quân đội không cấm nhưng có chủ trương không phổ biến tác phẩm. Nhà hát Tuổi trẻ có quyền cởi mở hơn, thế nhưng, các cơ quan văn hóa vẫn phải "nể mặt" quân đội, không để tác phẩm tham gia hội diễn.
"Nói dối! Nói dối hết! Tất cả chỉ là dối trá!"
Tôi đóng vai này lần đầu năm 1981, khi chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Vào những năm 1980, sự đấu tranh tiêu cực chưa gay gắt, quyết liệt như bây giờ. Ngày đó người ta bằng lòng với cuộc sống vốn có, niềm tin vững chắc vào mọi điều tốt trong cuộc sống. Nếu có tiêu cực thì người ta nghi ngờ nhiều hơn là đấu tranh và chỉ nêu vấn đề, ý kiến giải quyết chung chung.
Xây dựng nhân vật Châu, Lưu Quang Vũ muốn nói lên con người cần sự quyết liệt, không được sống an phận thủ thường, bỏ lơ tiêu cực trong xã hội. Từ đó, tôi xác định diễn xuất của mình phải mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Nhân vật Châu có câu thoại: "Nói dối! Nói dối
hết! Tất cả chỉ là dối trá!" Bạn nghĩ mà xem, trong thời buổi đó, ai là
người dám đứng lên nói như thế. Câu nói này không chỉ bao hàm sự việc xảy ra
trong cuộc thi mà người xem còn hiểu đến những vấn đề toàn xã hội.
Châu như nói hộ khán giả và kích họ lên tiếng về sự dối trá trong cuộc sống mà thời điểm đó người ta không dám hoặc không có cơ hội nói. Khi tôi nói câu đó trên sân khấu lớn, trước công chúng, khán giả cũng rất sốc. Họ ngồi lặng người, dõi theo diễn biến câu chuyện.
Tôi nhớ một lần, ở dưới, khán giả nhiều người thương và khóc vì thân phận của Châu. Họ thương cậu bé mới bước vào đời, lại phải bỏ nhà ra đi vì không chịu được áp lực cũng như không nhận được sự ủng hộ của thầy cô, bạn bè. Tâm lý chung của người đến xem là hồi hộp, chờ đợi theo dõi từng bước đi, sự thay đổi số phận của Châu. Khán giả muốn Châu là người chiến thắng.
So với thời nay, câu chuyện trong Mùa hạ cuối cùng ở mức độ nhẹ nhàng. Bây giờ vấn đề giáo dục phức tạp hơn, nóng hơn. Vụ gian lận, nâng điểm tại Hà Giang vừa qua đã lên đến đỉnh điểm của sự tiêu cực. Thêm vào đó, đạo đức, nhân cách một bộ phận giáo viên xuống cấp trầm trọng. Ngày xưa, tôi đi học, biếu quà cáp thầy không nhận hoặc nể lắm mới nhận. Bây giờ thì giáo viên thông đồng, lập đường dây ăn tiền nâng điểm. Nó cho thấy sự tha hóa đạo đức nghề nghiệp. Tôi cho rằng người đứng đầu ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm, đó là Bộ trưởng. Lãnh đạo phải nhìn thẳng vào sự thật, không được né tránh.
Bây giờ, độ hung hãn của nhóm lợi ích bị ảnh hưởng mạnh hơn ngày xưa. Ai mà thẳng thắn nói sự thật thì người đó rất dũng cảm, kể cả thầy giáo. Nếu dựng Mùa hạ cuối cùng trong thời điểm này mà theo phiên bản cũ thì sự việc còn quá nhẹ, chưa lột tả được tính cấp thiết thời sự của nạn thi cử hiện nay.
Sau cùng, thông điệp qua vở diễn là lòng trung thực và tình người. Khi Châu ở vực đáy tinh thần thì vẫn còn bạn bè, người thầy níu cậu ấy lại. Từ đó, Châu nhận ra rằng cần tiếp tục sống để đương đầu những tiêu cực. Trung thực mãi mãi vẫn là điều tốt đẹp và con người cần cư xử tử tế với nhau, đây là điều con người mong đợi trong bất kỳ thời đại nào.
Bài: Hà Thu - Trọng Trường - Đức Hoàng
Đồ họa: Tiến Thành
Ảnh: Nhân vật cung cấp