Tục lụy là vở diễn vừa ra mắt trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ở suất diễn đầu tiên vào tối 7/7, hàng trăm khán giả ngồi chật rạp để thưởng thức tác phẩm do Ái Như đạo diễn.
Gần 10 năm trước, vở diễn này có tên Cơn mê cuối cùng, từng được khán giả sân khấu Idecaf yêu thích. Bản dựng mới lần này có sự thay đổi ở dàn diễn viên, thiết kế sân khấu, âm nhạc..., khiến Tục lụy một lần nữa gây háo hức với người xem. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả trẻ chưa có dịp xem bản đầu tiên đã kháo nhau phải đi xem bản dựng mới.
Bối cảnh vở kịch diễn ra tại một xóm nghèo nằm chơ vơ giữa một cù lao. Trên đó có gia đình ông Hai Khương, Ba Nữa... có những con người làng chài quê mùa, chất phác. Tuy vậy, khác với vẻ ngoài yên bình của làng quê, bên trong những mối quan hệ giữa người với người của xóm nghèo ấy cuộn chảy những đợt sóng ngầm dữ dội.
Với "Tục lụy", Kim Xuân (phải) cho biết chị được sống trong cảm giác thanh xuân của nghề diễn khi tập kịch cùng anh em gần như suốt đêm. Ảnh: H.T.T. |
Rất thương vợ nhưng ông Hai (nghệ sĩ Thành Hội) vẫn là người đàn ông dễ xiêu lòng chỉ với làn da trắng, mái tóc thoảng hương hoa bưởi của người đàn bà khác. Và, vì rất thương yêu chồng, muốn giữ gìn, vun vén cho hạnh phúc nhỏ của mình, bà Hai từng nén đau khi ông dan díu yêu đương với người đàn bà trẻ, đẹp.
Để quên đi nỗi đau dễ khiến gia đình rạn nứt này, vợ chồng ông dắt dìu nhau về sống ở cù lao. Ở nơi định cư mới, ông Hai được người dân trong vùng nể trọng vì bản tính hiền lành, trượng phu. Ông trở thành chỗ dựa cho bà con mỗi khi có việc cấp bách… Những tưởng hình tượng ông Hai xây dựng cho mình sẽ được vững bền theo năm tháng nhưng thêm một lần nông nổi, ông tiếp tục trượt vào nỗi đam mê với người con gái trẻ trong một tình huống oái oăm…
Từng vào vai bà Hai trong vở Cơn mê cuối cùng, nay trở lại với nhân vật này trong Tục lụy, NSƯT Kim Xuân một lần nữa cuốn hút khán giả với nỗi đau mang thân phận đàn bà. Không cần gồng người, từ vóc dáng, mái tóc dài, giọng nói nhỏ nhẹ của Kim Xuân đều tô đậm mẫu hình quen thuộc của người phụ nữ Việt.
Quang Thảo (phải, vai Út Hơn) rất thành công khi thể hiện một nhân vật bị mất trí, nửa điên nửa tỉnh do chiến tranh. Ảnh: H.T.T. |
Ở những cảnh diễn đầu tiên, bà Hai mang vẻ dịu dàng, nền nã, thương chồng con. Khi vở dần đi vào cao trào, khán giả có thể cảm nhận bi kịch đang trùm lên ngôi nhà nhỏ qua ánh mắt thất thần của Kim Xuân, cái rũ vai, tiếng thở dài như nén trong lồng ngực. Cách chị thể hiện sự giằng xé giữa một bên là giữ gìn tình cảm chị em ruột thịt với một bên là tình yêu với người đầu ấp tay gối khiến khán phòng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh có thể nghe rõ tiếng khóc sụt sùi của vài khán giả nữ. Kim Xuân lấy nước mắt người xem không phải ở sự diễn tả vật vã, ồn ào, chị để nỗi đau kìm nén lại, lặn vào trong.
Bà Hai là vai diễn đã theo Kim Xuân trong khoảng thời gian dài. Từ năm 2003, ở các sân khấu Tao Đàn, Idecaf cũng qua bàn tay đạo diễn Ái Như, Kim Xuân đã diễn xuất bên cạnh Thành Hội (khi đó vào vai Út Hơn, em bà Hai), cùng Tấn Thành (đóng vai ông Hai Khương)... Không chỉ vậy, kịch bản Cơn mê cuối cùng (của cố nhà văn Ngọc Linh) từng được dựng thành phim truyền hình và Kim Xuân tiếp tục được mời tham gia.
Tuy vậy, chị chia sẻ, chỉ với ở sân khấu, chị mới được sống tận cùng nỗi đau của nhân vật mà chị yêu thương. "Cũng như khi hóa thành những nhân vật trong kịch Thời con gái đã xa, Người đàn bà mộng du... mỗi lần tôi diễn xong vai bà Hai đều thấy rất mệt. Trong gần 3 giờ đồng hồ trên sân khấu, tôi không nghĩ mình diễn mà chỉ thấy mình đang sống với vai đó. Nhờ những vở thế này mà tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được là một diễn viên", nữ nghệ sĩ tâm sự với VnExpress.net.
Ở bản dựng mới, ngoài Thành Hội vốn là một gương mặt kỳ cựu, dàn diễn viên như: Quang Thảo (Út Hơn), Quốc Thịnh (Sáu Thôi), Như Yến - Hoàng Vân Anh (thay nhau diễn vai Mận), Ngọc Tưởng (Dũng), Lương Duyên (Ba Nữa)... có diễn xuất đồng đều. Họ đã cùng tung hứng để mang đến một tác phẩm sân khấu đậm chất bi - hài. Nghệ sĩ Ái Như không chỉ dàn dựng vở mà sẽ có những suất diễn luân phiên vai bà Hai, hứa hẹn mang đến nhiều điều thú vị cho khán giả.
Như Yến (trái) trong vai Mận và Ngọc Tưởng trong vai Dũng, con trai của ông bà Hai. Ảnh: H.T.T. |
Với Tục lụy, Ái Như cho thấy, theo năm tháng, chị ngày càng chắc tay trong mảng đề tài thuộc dòng kịch tâm lý gia đình, xã hội.
Sức hấp dẫn ở kịch của chị nói riêng và các vở diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh nói chung không chỉ ở việc bám sát cuộc sống đời thường, nói về những con người bình thường mà còn là những bài học luân lý, đạo đức được khéo léo đan cài vào đó.
Càng ngẫm ngợi, khán giả sẽ càng nhận ra được những trăn trở về các giá trị cốt lõi trong đời sống tinh thần của cộng đồng, xã hội. Cũng như ở Tục lụy, nhiều khán giả sau khi ra về đều nhớ cảnh ông Hai Khương tự bật lên lời nói đầy day dứt: "Dù có làm một nghìn điều tốt, chỉ cần làm một điều xấu là không thể cứu vãn được. Tốt và xấu không có bài toán trừ. Tốt là tốt và xấu là xấu".
Thoại Hà