Hà Linh -
Nhưng hơn 4 thập kỷ qua, Lee chọn lối sống ẩn dật, lặng lẽ, như chưa từng là tác giả của cuốn tiểu thuyết làm mưa làm gió trên thị trường sách, thậm chí như chưa từng tồn tại. Đầu năm nay, nhà văn 80 tuổi này đã xuất hiện trước công chúng khi tham gia giao lưu với những sinh viên dự cuộc thi viết về tác phẩm Kill a Mockingbird, được tổ chức tại Đại học Alabama.
Harper Lee sinh ra tại Monroeville, Alabama. Bố bà là chủ sở hữu đồng thời là tổng biên tập của một tờ báo. Ông còn là một luật sư, thượng nghị sĩ bang Alabama. Từ 1945 đến 1949, Lee học luật tại Đại học Alabama, sau đó, bà tham dự khóa học 1 năm theo diện trao đổi sinh viên giữa các trường tại Đại học Oxford. 6 tháng trước khi tốt nghiệp, Lee tìm đến New York theo đuổi nghiệp viết văn. Tại đây, bà làm nhân viên bán vé máy bay cho hãng hãng không Eastern Air Lines. Năm 1959, Lee đồng hành cùng người bạn thân thiết thuở niên thiếu của mình là Truman Capote đến Holcombe, Kansas để thu thập tư liệu cho cuốn In Cold Blood (1966) của Capote. Lee được đánh giá là người có vai trò rất lớn trong thành công của cuốn sách này.
Nhà văn Harper Lee. (Ảnh: todayinliterature) |
To Kill a Mockingbird là sáng tác đầu tay của Lee. Tác phẩm lấy bối cảnh ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama trong những năm 1930. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định đứng ra bảo vệ Tom Robinson - một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng - Mayella Ewell.
Bối cảnh và một số nhân vật trong tác phẩm được rút từ cuộc đời thực. Finch là tên thời con gái của mẹ Lee còn nhân vật Dill được lấy nguyên mẫu từ Truman Capote.
Nhân vật người kể chuyện là Scout - con gái của luật sư Finch - một đứa trẻ thông minh và hay quan sát. Scout bắt đầu câu chuyện từ khi cô bé mới 6 tuổi. Mẹ mất sớm, Scout luôn tìm mọi cách ganh đua với người anh trai Jem. Một ngày, hai đứa trẻ gặp Dill - một người bạn 7 tuổi. Sau đó, chúng trở nên thân thiết với Boo Radley - một con người sống ẩn dật, khép mình khi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Qua một loạt sự kiện vui, buồn những đứa trẻ dần rút ra được bài học phải - trái, về sự công bằng và lòng trắc ẩn. Lần theo dòng trần thuật của Scout, người đọc chắc chắn rằng cô bé sẽ không bao giờ giết con chim nhại hoặc trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc. Scout kể chuyện bằng giọng kể trẻ thơ nhưng cô bé có những phân tích về người lớn và những hành động của họ như là một người đã trưởng thành.
Bên cạnh tuyến truyện thứ nhất kể về Boo Radley, người bị coi là loạn trí, còn có tuyến truyện thứ hai về Tom Robinson. Một ban hội thẩm đoàn gồm 12 người da trắng đã phớt lờ những cuộc điều tra cần thiết, vội vàng buộc cho Robinson cái tội mà anh không bao giờ phạm phải: cưỡng hiếp. Atticus, người được chỉ định làm luật sư bào chữa cho Tom, thua tại tòa án. Tom tìm cách bỏ trốn và bị bắn chết. Bob Ewell, bố của Mayella mới chính là người đánh đập và hãm hiếp cô. Khi Atticus phát hiện ra sự thật, Bob đã tấn công con ông - Jem và Scout. Hai đứa trẻ được Boo Radley cứu thoát. Radley đã đánh Bob Ewell đến chết. Atticus và Calpurnia - một người đầu bếp da đen trong tác phẩm - dần dà trở thành những nhân vật trung tâm đại diện cho một xã hội không có thành kiến, phân biệt chủng tộc. Trong tác phẩm có câu: "Con chim nhại chẳng làm gì nên tội, chúng chỉ hót cho chúng ta những giai điệu đẹp. Không phá phách vườn tược, không hại đến hoa màu, chúng chỉ dâng hiến cho chúng ta những lời hát từ trái tim. Đó là lý do vì sao, giết con chim nhại là một tội ác". Cuốn tiểu thuyết của Lee còn nhấn mạnh, trẻ em sinh ra vốn mang bản chất hướng thiện, coi trọng sự công bằng, chúng chỉ hấp thu những thành kiến xã hội trong quá trình lớn lên giữa cộng đồng.
Một cảnh trong phim "To Kill a Mockingbird " (Ảnh: talrton). |
Mặc dù, tác phẩm đầu tay giành được những thành công vang dội, với 10 triệu bản được tiêu thụ, Lee đã không bao giờ xuất bản cuốn sách thứ hai. Bà rời New York, về Monroeville sống một cuộc đời lặng lẽ. Suốt hơn 40 năm qua, Lee từ chối mọi cuộc thăm viếng của giới báo chí. Câu trả lời nổi tiếng của bà khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn của phóng viên là: "Không chỉ bây giờ mà khi xuống đến địa ngục, cũng không" ("Not just no, but hell no").
Chính vì thế, sự tồn tại của bà là cả một điều bí ẩn đối với công chúng. Trong lời mở đầu bản sách xuất bản năm 1977 tại Matxcơva, tiến sĩ Nadiya Matuzova đã nhầm lẫn tai hại khi ca ngợi bà với âm hưởng "điếu văn": "Mặc dù, Harper Lee không sống được đến lễ sinh nhật lần thứ 50 nhưng kiệt tác của bà - cuốn tiểu thuyết tiếp nối truyền thống xuất sắc của những nhà văn nổi tiếng Mark Twain, William Faulkner, Erskine Caldwell và các tác giả khác - sẽ mãi mãi thuộc về di sản văn học Mỹ".
Sự thực là năm nay, tác giả của To Kill a Mockingbird đã 80 tuổi, vẫn sống và vẫn tiếp tục từ chối giới truyền thông, nhưng sau 40 năm, bà kiệm lời hơn: "Hell, no" (Ở địa ngục, cũng không). Trong lần xuất hiện trước sinh viên đầu năm nay, bà chỉ nói: "Những gì mọi người đã dành cho tôi thật tuyệt vời. Bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cũng là một trong những tác phẩm được chuyển thể từ văn học thành công nhất".
Đến nay, đã có nhiều phỏng đoán, nhưng chưa một ai nhận được câu trả lời chính thức từ tác giả cho câu hỏi, vì sao Lee không bao giờ viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai?
(Nguồn: Tổng hợp)