Bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ tốt nhất cho công việc kinh doanh được tạp chí Forbes công bố hằng năm. Trong danh sách công bố hôm qua, Việt Nam đứng thứ 118 trong số 128 cái tên được nhắc đến, tụt 5 bậc so với năm ngoái.
Kết quả này được Forbes tính toán dựa trên đánh giá một loạt các hạng mục, trong đó có tự do thương mại, xếp hạng 105 trên 128 nước và vùng lãnh thổ. Một số hạng mục được chấm điểm thấp khác của Việt Nam bao gồm tự do tiền tệ và bảo vệ nhà đầu tư, cùng xếp hạng 125, gánh nặng thuế má, xếp hạng 103 và phòng chống tham nhũng xếp hạng 95.
Những khía cạnh được đánh giá cao hơn bao gồm cải cách, xếp hạng 52, kỹ thuật đứng thứ 68. Theo tính toán của Forbes, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người hàng năm 2.900 USD và tỷ lệ nợ công trên GDP là 53,7%.
Forbes nhận định tấm vé gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO năm 2007 đã đảm bảo cho Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường thế giới và củng cố quá trình cải cách kinh tế trong nước. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần từ 25% năm 2000 xuống còn 21% năm 2009. Tỷ lệ đói nghèo được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Với thứ hạng 118, Việt Nam chỉ đứng trên 10 nước, trong đó chủ yếu là các quốc gia thuộc châu Phi như Chad, Zimbabwe, Bolivia, Cameroon hay Burundi. Đứng chót trong danh sách của Forbes là Venezuela.
Ở phía đầu kia của danh sách, đầu bảng là Đan Mạch, quốc gia được Forbes đánh giá tự do thương mại xếp thứ 12, tự do tiền tệ xếp thứ 14 trong tổng số 128 nước. Nước này cũng đứng thứ hạng cao trong một số tiêu chí khác như số 1 về tự do cá nhân, số 2 về phòng chống tham nhũng, số 4 về khoa học kỹ thuật.
Trong khi Hong Kong xếp hạng 2 thì Trung Quốc đại lục đứng ở thứ 90, tụt 27 bậc so với năm ngoái. Theo Forbes, tự do thương mại của Trung Quốc đại lục chỉ xếp hạng 89, tự do tiền tệ xếp hạng 81 và tự do cá nhân xếp hạng 124.
Thanh Bình