Theo tỷ phú đầu tư nổi tiếng của Mỹ - Jim Rogers, Trung Quốc có thể đang chịu sức ép giảm lãi suất và kích thích kinh tế, nhưng nới lỏng tiền tệ vào lúc này không phải là việc làm khôn ngoan. Thay vào đó, họ nên tiếp tục thắt chặt để kiềm chế giá bất động sản.
Nhận định trên được đưa ra sau khi chuyên gia tài chính này đến thăm chi nhánh của Công ty chứng khoán Xiangcai tại Ôn Châu, Chiết Giang (Trung Quốc). Khi nhận xét về động thái cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc trên CNBC, ông cho biết: "Tôi nghĩ là họ đang đi nhầm hướng vì lạm phát vẫn còn tồn tại. Tuy bong bóng bất động sản đã xẹp và giá cả cũng bắt đầu hạ, nhưng theo quan điểm của tôi, từng ấy là chưa đủ. Các số liệu gần đây chỉ ra rằng bất động sản Trung Quốc đang dần hồi phục".
Nhà đầu tư nổi tiếng này cho rằng lạm phát ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại. Ảnh: CNBC. |
Kể từ tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ba lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản (0,5%) và giảm lãi suất hai lần để kích thích kinh tế. Vì vậy, có nhiều tín hiệu cho thấy người mua nhà, được hỗ trợ bởi lãi giảm, đang bắt đầu quay trở lại thị trường. Giá nhà mới ở đây đã tăng tại 49 thành phố trong tháng 7. Đây là số lượng cao nhất kể từ cuối tháng 5/2011.
Việc này đang gây cản trở nỗ lực của chính phủ khi vừa phải kích thích kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ, nhưng đồng thời phải kiềm chế đầu cơ bất động sản. Phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng Trung Quốc cần nới lỏng nhiều hơn nữa bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất ngay trong tháng này.
Tuy nhiên, Rogers lại cho rằng chính phủ nước này nên tiếp tục thắt chặt, vì giá bất động sản giảm từ đầu năm không đủ để chặn việc bong bóng nhà đất châm ngòi cho lạm phát. Ông nói: "Đó không phải là cách phá vỡ bong bóng bất động sản. Họ không được để nó phục hồi chỉ sau có 6 tháng giảm, mà phải làm chặt hơn nữa. Những năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần mềm lòng trước vấn đề này. Khi mọi thứ bắt đầu giảm, họ lại lo lắng, sau đó nới lỏng, và rồi mọi việc càng trở nên tồi tệ. Theo ý tôi thì cứ nên tiếp tục thắt chặt".
Rogers từng rất nổi tiếng năm 2007 sau khi bán nhà tại New York để chuyển đến Singapore. Ông lập luận rằng châu Á sẽ là đỉnh cao của kinh tế như Mỹ đã từng làm trong cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 20.
Và mặc dù gần đây, Trung Quốc đang tăng trưởng ì ạch, Rogers vẫn tin rằng trong dài hạn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ phát triển mạnh. Ông nói: “Tôi chưa bán tài sản nào tại Trung Quốc cả. Dĩ nhiên là nước này cũng đang có nhiều vấn đề, nhưng tôi chắc chắn, nếu họ có biến cố gì, thì tất cả chúng ta cũng không tránh được ảnh hưởng”.
Quan điểm của Rogers cũng giống Mark Mobius - CEO của Templeton Emerging Markets - Quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi lớn nhất nước Anh. Tuần trước, ông đã khẳng định trên CNBC rằng kinh tế Trung Quốc vẫn rất có triển vọng. Mobius nói: "Tôi không rõ liệu họ có thể tăng trưởng 7% năm nay hay không. Nhưng 2% hoặc 3% thì cũng là tăng chứ sao? Thế còn tốt hơn 0%, trong khi cả thế giới đều đang suy giảm! Nếu Trung Quốc tăng trưởng 2% thật, mọi người sẽ vẫn đổ đến đây thôi, trong đó có cả tôi nữa".
Theo số liệu chính thức được công bố tháng trước, GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 7,6% và là mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Đây đã là quý thứ sáu liên tiếp kinh tế nước này tăng trưởng ì ạch.
Hà Thu (theo CNBC)