Tuần này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm gần 365 tỷ NDT (57,92 tỷ USD) ra thị trường tiền tệ, mức kỷ lục tính theo tuần. Các nhà điều tiết ở đây đang vật lộn với việc tăng thanh khoản mà không kéo theo lạm phát, khi dòng vốn ngoại vào Trung Quốc bắt đầu chậm lại.
Đại diện một ngân hàng nhà nước ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: "Con số này là tương đối lớn. Điều đó có nghĩa họ sẽ không giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian tới". Động thái này nhằm mục đích cung cấp thanh khoản trong ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại. Họ cần dành ra một lượng tiền lớn, vừa để đáp ứng yêu cầu dự trữ bắt buộc của PBOC, vừa dự phòng nhu cầu của người dân khi kỳ nghỉ quốc khánh sắp đến.
![]() |
Trung Quốc đã bơm hơn 57 tỷ USD ra thị trường tuần này. Ảnh: China Daily |
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã sử dụng các nghiệp vụ để bơm 290 tỷ NDT trong thứ Ba và 180 tỷ NDT vào thứ Năm, bù lại 107 tỷ NDT hợp đồng đáo hạn. Trong thập kỷ trước, khi lượng ngoại tệ chảy vào trong nước lớn, PBOC đã dùng nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để hút thanh khoản ra khỏi hệ thống. Nhưng khi dòng tiền đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tiền đầu cơ vào đồng NDT, bắt đầu suy yếu, thì ngân hàng này lại phải cung tiền cho thị trường.
Các nhà điều tiết ở Trung Quốc đang phải tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại các biện pháp dài hạn như giảm dự trữ bắt buộc và tỷ lệ khoản vay trên tiền gửi tại các nhà băng sẽ gây ra lạm phát, đầu tư mất cân đối và bong bóng tài sản. Việc này đã từng xảy ra khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kích thích để đối phó với khủng hoảng tài chính vừa qua.
Vòng 3 của gói nới lỏng tiền tệ ( QE3) mới được Mỹ công bố cũng gây áp lực tăng giá hàng hóa. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo ngại dòng tiền chảy vào nước này sẽ làm bong bóng bất động sản xuất hiện trở lại. Việc bơm tiền ra hệ thống của ngân hàng trung ương đã khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh do cung tiền dồi dào.
Thùy Linh (theo CNBC)