Kế hoạch “giải cứu” nước Mỹ được Nghị sĩ John Boehner, đại diện Đảng Cộng hòa công bố hôm 28/6 vừa rồi và nhanh chóng được Hạ viện, nơi mà đảng này giữ đa số thông qua với tỷ lệ 218 - 210 phiếu. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu diễn ra một ngày sau đó tại Thượng viện, nơi mà Đảng Dân chủ chiếm ưu thế, dự thảo này lại nhanh chóng bị bác bỏ.
Kế hoạch của Đảng Cộng hòa và ông John Boehner đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ lần thứ 2. Ảnh: AP |
Sự kiện này được xem là bước tiếp theo của cuộc chiến chính trị dai dẳng giữa 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa xung quanh vấn đề nâng trần vay mượn quốc gia, đồng thời đưa nước Mỹ đến gần hơn với bờ vực vỡ nợ vào ngày 2/8 tới.
Kế hoạch nâng trần nợ thêm 2.400 tỷ USD (đi kèm với việc tăng thuế thêm 400 tỷ USD), theo kịch bản mà Đảng Cộng hòa soạn thảo từng được thông qua tại Hạ viện hôm 20/8. Tuy nhiên, khi lên đến Thượng viện, Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ của ông lại đề nghị sửa đổi kế mức tăng thuế lên 800 tỷ USD. Đề nghị này bị các thành viên Đảng Cộng hòa cho là “nhập nhèm” và kiên quyết không thông qua tại Thượng viện.
Ngay sau đó, đại diện đảng này là ông John Boehner lại đề xuất một kế hoạch khác. Theo đó, thay vì tăng thuế, Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu thêm 900 tỷ USD. Lần này, đến lượt đảng Dân chủ “phản pháo” khi cho rằng kế hoạch nêu trên là không triệt để và sẽ khiến Quốc hội Mỹ phải xem xét trần nợ một lần nữa vào năm 2012, đúng vào thời điểm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang lên đến cao trào.
Đồng hồ đếm ngược trên tờ Business Insider cho thầy nước Mỹ còn không đầy 72 giờ trước khi vỡ nợ. |
Cùng với việc bác kế hoạch của Đảng Cộng hòa, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid cũng đang chuẩn bị một kế hoạch tương tự với mức nâng trần nợ lên tới 2.700 tỷ USD và cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2.200 tỷ USD.
Tuy vậy, hiệu quả của “toa thuốc” liều cao này vẫn còn là một dấu hỏi bởi nó chỉ được Quốc hội Mỹ xem xét vào đầu tuần tới, tức là chỉ 24 giờ trước khi nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức vỡ nợ.
Nhật Minh