Động thái này có nghĩa là Hy Lạp đã sẵn sàng đi đến một thỏa thuận với Liên minh châu Âu về vấn đề gói cứu trợ, đồng thời tổ chức một cuộc bầu cử tìm chính phủ mới. Ông Papandreou sẽ ra tuyên bố chính thức về việc từ chức khi các thông tin chi tiết sẽ được công bố vào hôm nay.
Diễn biến mới lần này được xem là chìa khóa giúp giải tỏa những ách tắc trên chính trường Hy Lạp thời gian gần đây, khi nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa sự an toàn của toàn bộ Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou. Ảnh: AFP |
Thỏa thuận thành lập Chính phủ liên hợp tại Hy Lạp cũng có thể chưa đủ để xoa dịu các thành viên EU khác, vốn luôn miệng thúc giục Hy Lạp thực thi thỏa thuận cứu trợ. Theo thỏa thuận này, EU yêu cầu Hy Lạp thông qua một loạt biện pháp khắc khổ khá lạ thường. Môt trong số đó là yêu cầu sa thải hàng loạt nhân công, vốn gây ra những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối suốt nhiều tháng qua tại nước này. Ngoài ra, EU cũng yêu cầu quyền được giám sát dài hạn nhằm đảm bảo Hy Lạp giữ đúng các cam kết cải cách khôi phục nền kinh tế. Nhiều người Hy Lạp cho rằng điều khoản này chẳng khác nào một lời lăng mạ lên chủ quyền quốc gia của họ.
Theo dự kiến của các bên liên quan, người lãnh đạo của liên hiệp chính phủ tạm thời có thể không thuộc phe phái nào, và sẽ lãnh đạo chính phủ trong vòng vài tháng đủ để đi đến một thỏa thuận cứu trợ với EU và thông qua gói ngân sách 2011.
Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias cho biết tên người lãnh đạo cùng nội các mới sẽ chưa công bố trong ngày hôm nay. Còn trong bài phát biểu vào sáng sớm thứ hai, Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết các đại biểu từ hai đảng Xã hội và Dân chủ mới đã nhóm họp vào Chủ nhật để bàn bạc về lộ trình hành động cho việc thực thi thỏa thuận cứu trợ. Cũng theo phiên họp này, dự kiến ngày 19/2 năm sau sẽ là ngày bầu cử Chính phủ mới.
Theo đồn đoán của dư luận, cái tên phù hợp nhất cho chức Thủ tướng của chính phủ liên hợp là Lucas Papademos, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và cũng là cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Một trong những thử thách lớn nhất đang chờ chính phủ liên hợp là bảo đảm sẽ vay được 20 tỷ euro (28 tỷ USD) từ nguồn nước ngoài từ nay đến cuối tháng 2 để cứu nguy cho nền tài chính. Ngoài ra, Chính phủ mới cũng sẽ phải thông qua được chính sách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ nước ngoài, bao gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
"Quyết định này của Thủ tướng Hy Lạp được xem là tích cực đối với thị trường. Vì nó cho các nhà đầu tư thấy rằng Hy Lạp đã sẵn sàng thực hiện những yêu cầu từ EU để đổi lấy khoản cứu trợ", Athanassios Papandropoulos, một nhà kinh tế học kiêm nhà bình luận tại tờ báo Estia của Hy Lạp nói. Mặc dù vậy, về lâu dài ông cho rằng chính phủ liên hợp khó có khả năng cứu nước này phục hồi. "Tôi không nghĩ Chính phủ này sẽ làm nên chuyện vì nó chỉ kéo dài 3 tháng. Sau đó chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử mới và rồi mọi rắc rối lại diễn ra như hiện nay", ông bình luận.
Thanh Bình