Các ngân hàng của Síp đã đóng cửa từ thứ Hai (18/3) và sớm nhất cũng phải sau thứ Năm mới có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương. Giới chính trị gia muốn hoàn tất các điều khoản về gói cứu trợ trị giá 5,8 tỷ euro trước khi các ngân hàng mở cửa trở lại, nhưng song song đó là nỗi lo số lượng tiền trong ngân hàng cạn kiệt dần.
Quy mô của nền kinh tế Síp khoảng 17 tỷ euro. Số tiền từ nước ngoài gửi tại Síp gấp ít nhất 8 lần con số này.
![]() |
Người dân Síp biểu tình phản đối việc đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm ngay tòa nhà quốc hội. |
Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm có thể khiến Anh tạm ngừng thanh toán lương hưu cho hơn 12.000 công dân có tài khoản tiết kiệm ở Síp do lo ngại sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Hơn 60.000 người Anh có thể bị ảnh hưởng.
Khi cuộc bỏ phiếu gói cứu trợ của Quốc hội Síp hoãn lại, mọi việc trở nên rõ ràng hơn. Kế hoạch giải cứu của Tổng thống Nicos Anastasiades đối mặt với thất bại.
Thị trường chứng khoán phản ứng mạnh với thông tin này. Chỉ số FTSE 100 mất hơn 100 điểm trong phiên đầu giao dịch. Trên thị trường tiền tệ, đồng euro chạm mức thấp nhất trong ba tháng. Các quan chức châu Âu đang muốn xoa dịu tình hình khi họ bị chỉ trích đã áp đặt việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm gây sự phẫn nộ trong công chúng Síp.
Người dân Síp đã xuống đường biểu tình phản đối đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Hàng trăm người đã hủy những chuyến đi chơi truyền thống của gia đình và tập trung tại tòa nhà Quốc hội.
Các chính trị gia tiếp tục cuộc đàm phán để có thể đưa ra những kiến nghị trước khi Quốc hội họp vào chiều thứ Ba. Tổng thống Sip nói rằng thỏa thuận phải đạt được để tránh sụp đổ một hay hàng loạt ngân hàng. Các điều khoản của gói cứu trợ 10 tỷ euro bao gồm 7 tỷ euro đến từ khu vực eurozone.
Chính quyền ngân hàng châu Âu đang cảnh giác cao độ với dấu hiệu người dân Tây Ban Nha và Italy đang rút lượng tiền tiết kiệm của họ khỏi các ngân hàng quốc gia vì lo sợ một trường hợp tương tự như Síp sẽ xảy ra. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định là không cần cảnh báo vì trường hợp của Síp không thể tái diễn.
Tại Anh, Bộ trưởng Ngân khố Greg Clark cam kết bồi thường hợp lý cho khoảng 3.000 nhân viên hiện dùng dịch vụ ngân hàng tại Síp.
Ông cũng cho biết việc chi trả lương hưu gửi đến các tài khoản tại Síp sẽ tạm thời dừng. Clarke nói: “Bất kỳ người được hưởng lương hưu nào đang ở Síp có thể yên tâm vì việc thanh toán lương sẽ diễn ra bình thường ngay khi tình hình tại đây trở nên ổn định”. 18.133 người Anh nhận lương hưu ở Síp, một phần ba trong số đó có dùng tài khoản ngân hàng Anh để thanh toán, còn nhóm khác có thể chuyển sang tài khoản khác. Theo ông tình huống này không chắc chắn và tùy thuộc vào sự thay đổi.
Các quan chức Síp nói với Guardian rằng Thủ tướng Đức là người ủng hộ mạnh nhất việc đánh thuế vào người gửi tiết kiệm. Ngoài ra còn có cả chính phủ Síp, Ủy ban châu Âu và ngân hàng trung ương châu Âu.
Các điều khoản về gói cứu trợ sẽ rất quan trọng đối với Nga bởi theo Reuters, hơn một nửa trong 70 tỷ euro dư nợ tiền gửi ngân hàng Síp có nguồn gốc từ nước ngoài, và phần lớn trong số này là của các quan chức và tài phiệt Nga.
Có suy đoán rằng tập đoàn năng lượng Nga Gazprom được sự hậu thuẫn từ chính quyền Nga để bơm lượng tiền mặt cần thiết nhằm chống đỡ cho hệ thống ngân hàng Sip. Đổi lại, tập đoàn được cấp giấy phép khai thác trữ lượng khí đốt lớn ngoài khơi của hòn đảo Síp.
Síp đã phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng đây là thiên đường rửa tiền. Điều này được cho là động cơ để đánh thuế vào các tài khoản tại ngân hàng nước này.
Các chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi Síp điều chỉnh việc đánh thuế theo hướng miễn cho các khoản tiền dưới 100.000 euro, nó cũng không đủ khôi phục lòng tin trong hệ thống bảo lãnh ngân hàng được đưa ra trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Một chuyên gia phân tích của nhóm nhà quản lý quỹ Fidelity Worldwide cho rằng việc đưa ra điều luật đánh thuế trên tiền gửi tiết kiệm đã làm lu mờ tiêu chí bảo lãnh tiền gửi tiết kiệm trong đề án tổng thể tài chính châu Âu.
Phương Mai (Theo Guardian/BBC)