Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Nhật Bản công bố, sản lượng công nghiệp tháng 9 của nước này đã giảm 4,1% so với tháng trước, cao hơn dự đoán của các chuyên gia trong khảo sát của Bloomberg là 3,1%. Trong tháng 8, tốc độ này chỉ là 1,6%.
Đây là mức sụt giảm lớn nhất tại Nhật kể từ thảm họa kép hồi tháng 3 năm ngoái. Việc này càng hối thúc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng cường các biện pháp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang có nguy cơ suy thoái.
![]() |
Sản xuất của Nhật Bản ảnh hưởng mạnh do tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh: Telegraph |
Các chuyên gia nhận định, khủng hoảng toàn cầu và căng thẳng lãnh thổ với Trung Quốc đã làm giảm xuất khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, nhu cầu nội địa lại yếu đi và quốc hội chia rẽ khiến chính phủ có nguy cơ cạn kiệt ngân sách trong tháng tới. Phần lớn các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg dự đoán BOJ sẽ bơm thêm 10.000 tỷ yen (125 tỷ USD) thông qua chương trình mua lại tài sản sau khi tuyên bố tung 750 tỷ yen cuối tuần trước.
Ông Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life ở Tokyo (Nhật Bản) cho biết: "Xuất khẩu yếu và phản ứng tiêu cực từ việc chấm dứt trợ giá ôtô đã làm giảm sản xuất. Vì vậy, sự nới lỏng của BOJ tuần trước gần như đã là quyết định cuối cùng rồi".
So với cùng kỳ, sản lượng công nghiệp tháng 9 giảm tới 8,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên tại 4,2%, khớp với dự đoán của giới phân tích.
Hôm qua, Honda - nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba Nhật Bản đã phải cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm thêm 20% khi người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tẩy chay hàng Nhật do tranh chấp lãnh thổ. Tại Nhật, doanh số ôtô tháng 9 cũng giảm lần đầu tiên trong năm khi chính phủ ngừng chấp nhận đơn xin trợ giá cho xe tiết kiệm nhiên liệu.
Cả Morgan Stanley và Credit Suisse đều dự đoán kinh tế Nhật Bản sẽ co lại trong cả hai quý cuối năm nay. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Seiji Maehara hôm qua cho biết ông sẽ tham dự buổi họp ngày hôm nay của BOJ. Đây là lần họp thứ hai của cơ quan này từ đầu tháng, tại phiên họp trước vào 5/10, BOJ đã trì hoãn các biện pháp nới lỏng.
Hà Thu (theo Bloomberg)