Các quan chức chính phủ, Bộ Tài chính cùng lãnh đạo cả hai đảng dường như đã đồng ý với kế hoạch này hôm chủ nhật. Tuy nhiên, kết thúc buổi làm việc hôm 29/9 (rạng sáng nay theo giờ Hà Nội), số phiếu phủ quyết đã lấn át. Chính quyền của Tổng thống Bush phải chờ cơ hội khác để vận động thông qua gói giải pháp tung 700 tỷ USD mua lại các khoản nợ xấu liên quan tới mảng cho vay cầm cố nhà đất.
Kết quả làm việc đêm qua khiến Tổng thống Bush vô cùng thất vọng. Trước phiên bỏ phiếu, ông nhiều lần nhấn mạnh kế hoạch này vô cùng quan trọng với nước Mỹ. Tới đây, ông sẽ làm việc với các cố vấn và tiếp tục vận động các nghị sĩ Quốc hội ủng hộ.
Bản thân Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson sẽ cùng lãnh đạo hai viện bàn luận lại nội dung kế hoạch.
Giới đầu tư chứng khoán vỡ mộng. Ảnh: AP |
Cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ lên tiếng chỉ trích nhau về kết quả buổi làm việc, 205 phiếu thuận trong khi có tới 228 phiếu chống. Gần 60% nghị sĩ đảng Dân chủ và một phần ba trong đảng Cộng hòa ủng hộ. Khi kết quả bỏ phiếu được xướng lên, nghị trường im phăng phắc. Ngay sau đó, các thành viên đảng Dân chủ kéo đến văn phòng phát ngôn viên Nancy Pelosi. Còn đảng viên Cộng hòa họp nhau ở văn phòng của lãnh đạo đảng trong hạ viện.
Phát ngôn viên đảng Dân chủ cho rằng 700 tỷ USD chỉ là cái giá mà chính quyền tổng thống Bush phải trả cho những chính sách kinh tế thất bại. Còn Lãnh đạo phe Cộng hoà trong Quốc hội thì buộc tội Pelosi có bài phát biểu làm mất tinh thần của các đảng viên Cộng hòa trước phiên bỏ phiếu.
Ứng viên tổng thống Barack Obama không tiếc lời phê phán Quốc hội vì sự do dự trước giải pháp được cho là mạnh nhất để cứu vãn tình hình tài chính tồi tệ hiện nay. Trong khi đối thủ của ông, thượng nghị sĩ John McCain buộc tội Obama và Đảng Dân chủ đã đặt nặng vấn đề chính trị lên trên sinh mạng quốc gia.
Trước phiên làm việc đêm qua, ai ai cũng nghĩ rằng kế hoạch 700 tỷ USD sẽ được thông qua. Chính phủ, thị trường, giới kinh doanh toàn cầu hồi hộp ctheo dõi từng diễn biến ở Washington với nỗi lo rằng nếu kế hoạch không được thông qua sẽ là thảm hoạ với phố Wall, từ đó gây ảnh hưởng tới toàn thế giới.
Thị trường chứng khoán là nơi hứng chịu những phản ứng mạnh mẽ nhất và tức thời nhất của giới đầu tư. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất tới 777 điểm, mức sụt giảm trong một phiên lớn nhất trong lịch sử phố Wall, cao hơn cả hồi khủng khoảng 11/9. Ngay sau khi kế hoạch bị bác bỏ, chỉ số này có lúc mất tới gần 780 điểm.
Giới đầu tư đạp lên nhau mà tháo chạy khỏi thị trường, khi đống cổ phiếu họ đang nắm trong tay mất giá tới 1.200 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên vốn hoá thị trường sụt hơn 1.000 tỷ USD trong một phiên.
Chỉ số chứng khoán chính của nước láng giềng Argentina, Merval Index giảm gần 10%.
Châu Âu và châu Á đóng cửa thị trường trước phiên làm việc của Quốc hội Mỹ, song giới đầu tư cũng thận trọng nghe ngóng, khiến các chỉ số chính đều giảm mạnh. FTSE 100 của Anh giảm 4,16%. Paris CAC 40 mất 4,9%. Frankfurt DAX giảm 3,87%. Hang Seng Index của Hong Kong giảm 4,31%, trong khi Nikkei của Nhật giảm 1,3%.
Giá dầu thô cũng có mức sụt giảm lớn, tới 8,9% xuống còn 96,37 USD mỗi thùng.
Song Linh (theo CNN)