Nhật, Brazil và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tung ra các biện pháp ngăn nội tệ lên giá so với USD để duy trì tăng trưởng.
> Mỹ kích cầu, xuất khẩu VN có thể hưởng lợi
> Mỹ bơm 40 tỷ USD mỗi tháng để 'kích cầu'
> 'Nới lỏng tiền tệ không thể cứu kinh tế Mỹ'
Theo nghiên cứu của Bank of New York Mellon (BNY), gói nới lỏng QE3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED và các biện pháp kích thích của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể gây ra một cuộc chiến tiền tệ mới trên toàn cầu. Tuần trước, đồng USD đã giảm xuống thấp nhất 7 tháng so với yen Nhật và 4 tháng so với euro sau khi FED thông báo sẽ tung QE3. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ mua vào 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng tài sản thế chấp hàng tháng để tăng tốc phục hồi kinh tế.
Ngay sau động thái của FED, hãng đánh giá tín nhiệm Egan - Jones cũng tuyên bố hạ một bậc xếp hạng dài hạn của Mỹ từ AA xuống AA-. Lý do là QE3 sẽ chỉ khiến USD mất giá hơn là giảm được gánh nặng nợ nần cho Mỹ. Hãng này cho rằng: "QE3 của FED sẽ khiến thị trường chứng khoán khởi sắc. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại đến kinh tế Mỹ và chất lượng tín dụng tại đây".
Chính sách nới lỏng của Mỹ có thể gây ra chiến tranh tiền tệ trên thế giới. Ảnh: CNN |
Các ngân hàng trung ương tại Brazil và một số quốc gia khác đang lên kế hoạch giảm nhẹ ảnh hưởng của việc USD trượt giá. Kiểm soát vốn là biện pháp từng được rất nhiều ngân hàng trung ương sử dụng để ngăn nội tệ tăng giá năm 2010. Đây cũng là lần đầu tiên thuật ngữ "chiến tranh tiền tệ" được đưa ra bởi Bộ trưởng Tài chính Brazil - ông Guido Mantega.
Năm 2010, để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay Brazil đã can thiệp mạnh vào tỷ giá hối đoái để làm suy yếu nội tệ. Việc này sẽ giúp hàng xuất khẩu của họ rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia cùng chọn giải pháp này lại tạo ra xung đột trong các diễn đàn kinh tế quốc tế. Chủ tịch IMF thời đó là Dominique Strauss-Kahn cũng cho rằng việc hạ giá đồng tiền đang được sử dụng như một vũ khí chính trị.
Khi ấy, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Colombia, Đài Loan, Nam Phi và Nga đều đã phải kiểm soát vốn theo đề nghị của cựu chủ tịch IMF Dominique Strauss Kahn. Tuy nhiên, BNY Mellon cho rằng việc Brazil mở màn kiểm soát vốn năm 2010 là quyết định quá hấp tấp, vì đồng Real hiện đã "yếu hơn rất nhiều so với USD". Các nước năm đó áp dụng biện pháp này cũng đang trong tình trạng tương tự.
Công ty này cũng cho rằng gói kích thích không hạn chế của FED có thể khiến chiến dịch kiểm soát vốn bùng nổ lần nữa. Trong tháng này, USD đã giảm tổng cộng 3%. Việc "suy giảm toàn cầu có kiểm soát" sẽ buộc các nước mới nổi bảo vệ bản thân bằng cách "hành động trước để duy trì tăng trưởng khi còn có thể".
BNY Mellon dự đoán các ngân hàng trung ương, kể cả các nền kinh tế mới nổi, sẽ có biện pháp ngăn chặn USD giảm giá. Sau khi đồng yen chạm đỉnh 7 tháng so với USD vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Jun Azumi đã tiết lộ ý định cho phép Ngân hàng trung ương nước này nhanh chóng hành động để làm yếu nội tệ.
Hà Thu (theo CNBC)