Theo các chuyên gia, khó có thể đo đếm chính xác tác động toàn diện của thảm họa cũng như những ảnh hưởng dây chuyền với kinh tế toàn cầu. Quá trình tái thiết đất nước Nhật Bản có thể kích thích sản xuất trong nước cũng như các nước có liên quan, song về tổng thể kinh tế của đất nước mặt trời mọc này vẫn gặp nhiều thách thức.
"Đây không chỉ là câu chuyện của một hay hai quý. Tác động của nó cực lớn. Giờ thì chúng tôi chưa thể tính toán chính xác thảm họa động đất đã gây thiệt hại bao nhiêu", ông Robert Feldman, chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley tại Nhật Bản nói.
Nhật Bản sẽ cần thời gian và tiền bạc để khắc phục thảm họa động đất. |
Trong đống đổ nát hỗn độn này, các chuyên gia nhìn thấy hai mối đe dọa cực lớn với kinh tế Nhật Bản: Cung ứng điện có thể bị gián đoạn nghiêm trọng và hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ bị đình trệ.
Các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản đang cung cấp một phần ba sản lượng điện cho toàn quốc. Công ty Điện lực Tokyo hôm thứ hai đã bắt đầu áp dụng lịch cắt điện luân phiên nhằm tránh nguy cơ thiếu điện trên diện rộng.
Vì khủng hoảng năng lượng này mà quá trình phục hồi kinh tế Nhật Bản có thể chậm lại, theo một báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán Nomura ở Tokyo. Kể từ khi thảm họa xảy ra đến cuối phiên giao dịch hôm thứ ba, chỉ số chứng khoán Nikkei giảm 11%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Kinh tế Nhật sẽ khó có thể khắc phục toàn bộ hậu quả của đợt thiên tai này trước cuối năm nay, hãng Nomura dự báo.
Trong khi đó, ông Scott Anderson, chuyên gia kinh tế cao cấp của Wells Fargo dự báo tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản sẽ chỉ có thể đạt 0,3% trong quý II này, giảm một điểm phần trăm so với dự báo trước đó của chính hãng này.
Phần lớn các hoạt động sản xuất chính tại Nhật Bản đã ngưng trệ. Các nhà máy của Toyota, Honda và Nissan ở miền Bắc Nhật Bản vẫn đóng cửa. Nissan cho biết 6 nhà máy thiệt hại nặng nề sau thiên tai, gần 2.300 chiếc xe mang thương hiệu Nissan và Infiniti đã bị phá hủy trong cơn sóng thần khi đang chờ xuất cảng. Toyota giảm 45% công suất trên toàn cầu và lên kế hoạch đóng cửa các nhà máy đến hết thứ tư tuần này. Còn các nhà máy của Honda sẽ tiếp tục đóng cửa đến hết 20/3.
Khi hệ thống cảng và đường xá bị phá hủy, một số công ty không thể xuất khẩu hàng hóa, trong đó nặng nề nhất là các hãng sản xuất ôtô. Thảm họa này cũng tác động không nhỏ tới lĩnh vực công nghệ. Nhật Bản đang cung cấp hơn 40% sản lượng chip (dùng trong các thiết bị máy tính, máy ảnh) và một phần năm chất bán dẫn cho toàn cầu. Hiện Sony đã phải đóng cửa 10 nhà máy và hai trung tâm nghiên cứu, theo số liệu của Bloombergs. Còn Toshiba đã cho ngừng hoạt động 5 nhà máy.
"Một số công ty đơn lẻ tại Mỹ sẽ không thể có nguồn linh kiện, thiết bị để lắp ráp trong vài tuần thậm chí vài tháng tới", chuyên gia kinh tế của hãng Georgetown, ông Alexander nói.
Các nhà đầu từ lo ngại rằng để tái thiết đất nước, Nhật Bản sẽ tốn ít nhất 200 tỷ USD. Trong khi đó, các món nợ của Nhật đã ở mức báo động 225% của tổng sản lượng của nền kinh tế. Một số nhà đầu tư còn e ngại rằng Nhật Bán sẽ bán một phần trong số trái phiếu kho bạc lớn mà nước này đang giữ của Mỹ để quyên tiền. Việc làm này sẽ đẩy mức giá trái phiếu kho bạc của Mỹ giảm mạnh, do đó làm tăng lãi suất.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lạc quan cho rằng những ảnh hưởng tới Mỹ và kinh tế thế giới sẽ tương đối nhẹ và chỉ trong ngắn hạn. Các tài xế trên toàn thế giới đang được lợi từ việc giá dầu giảm. Thậm chí việc tái thiết khu vực Đông Bắc của Nhật sau thảm họa còn có thể tạo ra một cú nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Nhật suy yếu đi có thể giúp cho giá hàng hóa trên thế giới giảm bởi Nhật Bản là nước nhập khẩu lớn nhiên liệu, nông sản và các loại nguyên liệu thô, theo Mark Zandi, nhà kinh tế của Moody's Analytics.
Nhà kinh tế Ethan Harris, đến từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ ước tính, thảm họa này chỉ làm giảm 0,1% tăng trưởng kinh tế thế giới, xuống còn 4,2 % vào năm nay.
Nhật Bản đã không còn là một đầu tầu của kinh tế châu Á cũng như kinh tế thế giới. Theo ông Nariman Behravesh, nhà kinh tế thuộc IHS Global Insight, điều này có nghĩa là mức độ ảnh hưởng của sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của Nhật đối với nền kinh tế thế giới sẽ tương đối nhẹ. Đóng góp của Nhật Bản vào kinh tế thế giới đã giảm từ 18% năm 1995 xuống còn 9% năm 2010.
Ôtô và phụ tùng ôtô của Nhật chiếm hơn một phần lượng nhập khẩu của Mỹ. Việc các nhà máy sản xuất ôtô của Nhật đóng cửa có thể gián đoạn sản xuất của các nhà máy Nhật tại Mỹ. Nhưng một số nhà sản xuất phụ tùng ôtô của Mỹ có thể sẽ được lợi nếu như các nhà máy của Nhật tại Mỹ sử dụng sản phẩm của họ.
Và khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi trận động đất chỉ chiếm 6-7% tổng sản lượng của Nhật Bản, chỉ bằng một nửa khu vực bị tàn phá bởi trận động đất Kobe năm 1995, theo nhận định Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Nhật Bản.
Sau trận động đất Kobe, chỉ trong 15 tháng các nhà sản xuất của Nhật đã trở lại được mức sản xuất bình thường. Cứ 5 cửa hàng thì có 4 cửa hàng mở cửa trở lại chỉ trong một năm rưỡi. Sự phục hồi của Nhật Bản đã phủ định những cảnh báo rằng nước Nhật sẽ mất một thập kỷ để khôi phục.
Tuyến Nguyễn - Song Linh tổng hợp