Theo số liệu chính thức được Văn phòng thống kê Nhật Bản công bố ngày hôm nay, GDP quý III nước này đã giảm 3,5% so với cùng kỳ và 0,9% so với quý trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ thảm họa kép động đất - sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái. Số liệu này thậm chí còn cao hơn dự đoán 3,4% của các chuyên gia tại Bloomberg.
Trong quý III, xuất khẩu của Nhật Bản đến các thị trường Á, Âu và Mỹ đều giảm. Đặc biệt là Trung Quốc khi làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản sau tranh chấp lãnh thổ vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, chi tiêu của người dân cũng thấp đi, gây áp lực kích thích lên ngân hàng trung ương và ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khi ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới.
![]() |
Tiêu dùng quý III của Nhật Bản giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2009. Ảnh: Bloomberg |
Theo giới phân tích, Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ suy thoái lần ba kể từ sau năm 2008. Việc này sẽ gây tác động xấu đến hiệu quả của kế hoạch nâng thuế tiêu dùng (tương tự thuế VAT ở Việt Nam) mà ông Noda chuẩn bị thực hiện trong hơn một thập kỷ. Đồng thời, nó cũng làm dấy lên lo ngại về sự bế tắc chính trị đang khiến chính phủ nước này có nguy cơ cạn kiệt ngân sách.
Ông Hiroshi Shiraishi - nhà kinh tế cấp cao tại BNP Paribas ở Tokyo (Nhật Bản) cho biết: "Số liệu ngày hôm nay đúng là không dễ chịu gì với ông Noda. Nhật Bản sẽ phải mất một thời gian nữa để quay về đà phục hồi bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp và mối quan hệ với Trung Quốc vẫn còn căng thẳng".
Tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm 0,5% so với quý trước sau khi chính phủ nước này chấm dứt trợ giá cho xe tiết kiệm nhiên liệu. Đây là lần đầu tiên số liệu này trượt giảm kể từ tháng 3/2009. Đầu tư tại Nhật Bản cũng giảm 3,2%, mạnh nhất kể từ quý II/2009. Cũng theo dự báo của Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ tiếp tục tăng trưởng âm 0,4% trong quý cuối năm nay.
Ông Masaaki Kanno - nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Securities Japan nhận định Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể công bố gói kích thích mới trong cuộc họp ngày 19/12 - 20/12 nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng có động thái tương tự ngày 11/12 - 12/12. Việc Mỹ nới lỏng tiền tệ đã làm tăng nguy cơ đồng USD suy yếu, đẩy đồng yen lên cao và khiến hàng xuất khẩu của Nhật Bản trở nên đắt đỏ.
Hà Thu (theo Bloomberg)