Trước đây, tầng lớp thượng lưu tại Trung Quốc không bao giờ dùng đồ đã qua sử dụng, kể cả có là Hermès đi chăng nữa. Tuy nhiên, khi thị trường hàng xa xỉ ở đây đã bão hòa, giới giàu có nước này lại chuyển gu sang mua hàng giá hời.
Các cửa hàng bán, cho thuê và sửa chữa hàng second-hand (đã qua sử dụng) đang mọc lên như nấm tại Trung Quốc. Bên cạnh đó là chi nhánh của rất nhiều hãng cao cấp Nhật Bản và Hong Kong nhận bán hàng second-hand ký gửi để hưởng hoa hồng.
Một cửa hàng bán hàng hiệu second-hand tại Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Milan Court là một trong những cửa hàng mua bán hàng xa xỉ second-hand đầu tiên ở Thượng Hải. Tuy đã mở cửa được 8 năm, nhưng gần đây cô Liu Lian - chủ cửa hàng, mới dám để logo của mình lên túi đựng sản phẩm. Vì trước kia, khách hàng thường rất xấu hổ khi bị phát hiện mua đồ cũ.
Tuy nhiên, tình trạng đó đã gần như biến mất trong vài năm gần đây. Kể từ 2009, doanh thu hàng năm của Milan Court luôn tăng với tốc độ hai chữ số, và cửa hàng cũng có hàng trăm túi bày bán. Rất nhiều trong số đó là hàng ký gửi. Cô đã có sáu cửa hàng tại Thượng Hải và còn lập kế hoạch mở rộng ra các thành phố khác.
Nidia Yuan, một khách hàng thường xuyên của Milan Court cho biết, cô mua đồ second-hand vì giá rẻ hơn hàng mới tới 20% - 30%. Yuan cho biết: "Tôi không ngại nếu mọi người biết mình dùng đồ cũ đâu! Nó cũng đáng giá tiền đấy chứ!".
Ju Geng, một cửa hàng second-hand chuyên bán hàng hiệu Pháp tại Thượng Hải, thường xuyên bày đồ Gucci, Louis Vuitton và Hermès vẫn còn mới, hoặc ít khi sử dụng. Giá của chúng dao động từ 2.000 NDT (320 USD) với chiếc Gucci rẻ nhất, đến 400.000 NDT cho túi Hermès Birkin. Tại một chi nhánh của chuỗi hàng second-hand Nhật Brand Off tại Thượng Hải, một chiếc Hermès Birkin với hình em bé vẽ bằng mực đen có giá 90.000 NDT
Cô Liu cho biết mọi người bán lại túi xách không phải vì cần tiền, không giống như người phương Tây thanh lý hàng xa xỉ trong thời buổi khủng hoảng. Kể cả hiện tại, khi tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đại lục chỉ còn 7,4%, thì cũng chẳng có ai bán hết đồ Gucci chỉ để lấy tiền nuôi con.
Jo Zhou, quản lý của Ju Geng giải thích việc này do nhận thức thay đổi hơn là túng thiếu. Vì người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng làm quen với khái niệm từ nước ngoài, ví dụ như các cửa hàng second-hand.
Việc các cửa hàng second-hand này nổi lên còn phản ánh sự thay đổi về gu thẩm mĩ của các tín đồ hàng xa xỉ địa lục. Zhou cho biết người mua từ các thị trường thời trang kém phát triển hơn Thượng Hải vẫn đến đây tìm các mặt hàng nặng về thương hiệu như Gucci hay Louis Vuitton.
Tuy nhiên, người Thượng Hải "lại thích hàng ít tên tuổi hơn", như Bottega Veneta, Prada, Céline hay Hermès. Khách mua cũng ngày càng trẻ hóa với một lượng lớn sinh viên và nhân viên văn phòng mới đi làm.
Thùy Linh (theo Financial Times)