Tại New York, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở 10.990,58 điểm, giảm gần 420 điểm (3,7%) so với đầu phiên. Cùng với đó, cả 10 nhóm ngành trong công thức tính chỉ số S&P 500 đều giảm trên 1,2%. Sự hoảng loạn của nhà đầu tư được thể hiện ở chỉ số biến động CBOE khi hàn thử biểu này tăng gần 40%, lên 43,56 điểm. Các cổ phiếu ngân hàng (Citibank, Morgan Stanley…) đều giảm 5-6%.
![]() |
Không khí u ám bao chùm thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: Bloomberg |
Tương tự tại châu Âu, FTSE 100 Index của thị trường chứng khoán London cũng mất 4,5% tại thời điểm đóng cửa. Các chỉ báo khác của chứng khoán Đức, Pháp là Dax và Cac 40 đều sụt 5,4 - 5,8%. Đà tháo chạy lan sang châu Á khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật mất gần 186 điểm (2,08%) trong những phút đầu phiên sáng nay. S&P/ASX của Australia cũng sụt hơn 2,5%, xuống còn 4.143,3 điểm vào trước 8 giờ sáng nay (theo giờ Hà Nội).
Sự hoảng loạn lan rộng trên thị trường tài chính trong vòng 24 giờ qua chủ yếu bắt nguồn từ một loạt tin xấu: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Mỹ tăng 0,5% (cao hơn nhiều so với dự báo 0,2% trước đó) trong khi báo cáo của Bộ Lao động nước này cho thấy số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp tại tăng cao trở lại.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa tìm được phương thuốc cắt cơn hữu hiệu sau cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức. Trong khi đó, những tin tức mới nhất đều cho thấy các ngân hàng trong khu vực đồng euro đã bắt đầu gặp khó khăn về thanh khoản khi nhu cầu vay vượt qua khả năng huy động vốn.
Theo nguồn tin của tờ Wall Street Journal, Cục Dự trữ liên bang Mỹ vừa yêu cầu chi nhánh mà các ngân hàng lớn của châu Âu đang hoạt động tại New York phải báo cáo về tình hình tài chính để được phép tiếp tục hoạt động. Trong bối cảnh đó, việc Morgan Stanley hạ mức dự báo tăng trưởng đối với kinh tế toàn cầu được xem là giọt nước làm tràn chiếc ly sợ hãi của giới đầu tư.
Cùng với việc bán tháo cổ phiếu, giới đầu tư đổ xô đi tìm kiếm các tài sản an toàn. Giá vàng vươn lên đỉnh cao mới, tiệm cận ngưỡng 1.830 USD một once. Đồng franc Thụy Sĩ tiếp tục tăng giá 1% bất chấp nỗ lực bơm tiền ra của ngân hàng trung ương nước này.
Chấp nhận lãi suất thấp, nhà đầu tư cũng tăng mạnh lượng mua đối với trái phiếu các nước. Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện chỉ có mức lợi tức dưới 2%, thấp nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Trái phiếu của Anh thậm chí còn đạt mức thấp chưa từng có trong lịch sử ở 2,235%.
“Điều khiến người ta sợ hãi nhất lúc này là triển vọng u ám của nền kinh tế. Mọi thống kê đều tồi tệ hơn dự báo được đưa ra trước đó”, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Daiwa Capital Markets tại London giải thích với hãng tin BBC.
“Để giải quyết khủng hoảng nợ, thay vì những tuyên bố, nền kinh tế rất cần những hành động mạnh tay từ các nhà lãnh đạo châu Âu. Đây là điều mà chúng ta chưa thấy”, bà Virginie Maisonneuve, Giám đốc bộ phận quản lý quỹ của Schroders nhận xét.
Trong khi đó, theo dự báo của biên tập viên kinh tế nổi tiếng của BBC - Robert Peston, với tâm lý thị trường bất ổn hiện nay, đà bán tháo của nhà đầu tư khó chấm dứt trong ngày một ngày hai.
Nhật Minh