Số tiền cho vụ sáp nhập này lên tới 400 triệu bảng Anh (tương đương 730 triệu USD). Santander sẽ tiếp quản 200 chi nhánh và quản lý tiền gửi của 2,5 triệu khách hàng thuộc B&B trị giá 22,2 tỷ bảng Anh (gần 44,4 tỷ USD).
Thông báo của Santander được phát đi cùng lúc Mỹ đạt thỏa thuận cuối cùng về kế hoạch 700 tỷ USD cứu thị trường tài chính đang hấp hối.
Trụ sở B&B tại London. Ảnh: AFP. |
Những món nợ mà B&B phải trả lên tới 50 tỷ bảng Anh, trong đó có 41 tỷ bảng liên quan đến cho vay thế chấp, kinh doanh bất động sản. Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Alistair Darling hy vọng nhận được thông báo cứu trợ của chính phủ trước khi thị trường mở cửa vào hôm nay.
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Anh, Bank of England, đã thảo luận để tìm giải pháp cứu B&B khỏi những khoản nợ khổng lồ do chịu ảnh hưởng từ sự đóng băng của thị trường địa ốc.
Bộ trưởng Tài chính Anh đề xuất: "Chắc chắn chính phủ lại phải ra tay và tiếp quản một phần trong kế hoạch này". Ông trấn an rằng tiền gửi của khách hàng tại B&B sẽ được đảm bảo.
B&B nắm khối tài sản lên tới 52 tỷ USD. Ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản này bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng suy thoái về nhà ở tại Anh nói riêng và thế giới nói chung trong gần hai năm qua. Căng thẳng trên thị trường tài chính Mỹ cũng khiến ngân hàng này lao đao hơn.
Trong những ngày qua, nhiều người gửi tiền tại B&B đã rút hàng chục triệu bảng Anh do lo ngại tập đoàn này sẽ không trụ được trước cơn sóng gió.
Thứ Năm tuần trước B&B đã buộc phải cắt giảm 370 nhân viên. Thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay của hãng này lên tới 17,2 tỷ bảng Anh. Giá cổ phiếu "bốc hơi" tới 93% kể từ đầu năm nay.
Sự kiện B&B bị mất quyền kiểm soát xét về bản chất cũng không khác việc chính phủ Mỹ phải "bơm" hàng chục tỷ USD cứu các đại gia AIG, và hai nhà cho vay thế chấp Freddie Mac, Fannie Mae trước đó. Tuy nhiên, các cổ đông vừa đầu tư khoảng 400 triệu bảng Anh vào B&B thông qua các quyền mua hồi tháng trước đang tỏ ra rất giận dữ đối với thông tin về một quyết định quốc hữu hoá.
Trong lúc này, chính phủ các nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cũng vừa ký thỏa thuận ứng cứu trợ tập đoàn tài chính đang lâm nạn Fortis. Ba nước sẽ tiến hành quốc hữu hóa một phần Fortis, nhằm tránh cho đại gia này nguy cơ phá sản.
Thủ tướng Bỉ, ông Yves Leterme cho biết số tiền ứng cứu lên tới 11,2 tỷ euro. Bỉ sẽ cung cấp 4,7 tỷ euro (3,7 tỷ bảng Anh) và nắm giữ 49% cổ phần, Hà Lan giữ 49% cổ phần với số tiền 4 tỷ euro , và Luxembourg chi 2,5 tỷ euro.
Fortis là một tập đoàn tài chính bảo hiểm có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các trụ sở đặt tại thủ đô Brussel, Bỉ và thành phố Utrech của Hà Lan.
Cổ phiếu của tập đoàn này đã sụt giảm ba phần tư giá trị trong năm qua, xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Lợi nhuận của Fortis trong tháng qua cũng mất 41%, còn 1,6 tỷ euro so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh Phương (theo AFP, Fortis, Dailymail)