Huawei cũng đang có mặt tại thị trường Việt Nam. |
Huawei là hiện nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 2 thế giới. Với công việc kinh doanh phát đạt trên khắp thế giới, Huawei hiện có khách hàng tại 130 nước trên thế giới, cung cấp thiết bị cho 45/50 hãng viễn thông hàng đầu thế giới. Huawei cũng đã có mặt tại Việt Nam và hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp.
Trong năm 2010, doanh thu của hãng này đạt 27 tỷ USD, xếp thứ 352 trong danh sách danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune đưa ra. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 10% trong năm 2011, Huawei có khả năng sẽ vượt qua Công ty Ericsson của Thụy Sĩ để trở thành hãng cấp thiết bị viễn thông số một thế giới.
Nhưng tại Mỹ - thị trường viễn thông lớn nhất thế giới, thành công lại chưa đến với Huawei. Kể từ lần đầu tiên thâm nhập thị trường Mỹ 10 năm trước, đã nhiều lần dự thầu nhưng Huawei vẫn chưa giành được hợp đồng lớn nào từ các hãng viễn thông lớn của Mỹ như AT&T, Sprint, T-Mobile, và Verizon.
Lý do là các công ty viễn thông của Mỹ đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài với các nhà cung cấp nội địa như Lucent (hiện nay một phần thuộc về hãng viễn thông Alcatel của Pháp), Motorola, và Cisco.
Một lý do nữa là nhiều năm trước các thiết bị do Huawei cung cấp chưa đáp ứng được yêu cầu cao về độ đáng tin cậy của các mạng lưới viễn thông tại Mỹ. Hiện nay, Huawei đang đưa ra những thiết bị tốt nhất, tiên tiến và nhanh nhất trong ngành công nghiệp viễn thông. Do đó, chất lượng không còn là vấn đề nữa. Nhà đầu tư công nghệ cao có ảnh hưởng nhất thung lũng Silicon (Mỹ), Frank Quattrone, mới đây đã liệt Huawei vào danh sách những công ty mới nổi hàng đầu trong ngành công nghiệp viễn thông.
Nhưng Huawei lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hồi tháng 2, tập đoàn này phải ngưng thỏa thuận trị giá 2 triệu USD mua lại Công ty công nghệ máy chủ 3Leaf. Ủy ban theo dõi đầu tư nước ngoài của Mỹ đã ngăn cản thỏa thuận trên, sau khi đánh giá về những rủi ro an ninh có thể xảy ra.
Tháng 8 năm ngoái, 8 nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng gửi thư cho chính phủ phản đối việc Huawei nhận hợp đồng cung cấp thiết bị mạng trị giá hàng tỉ đôla cho nhà mạng lớn thứ ba của Mỹ là Sprint Nextel. Theo The Wall Street Journal, Sprint Nextel đã phải loại trừ cả Huawei lẫn một nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE khỏi dự án nâng cấp trị giá khoảng 8,5 tỉ USD. Một số quan chức quân sự Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị của Huawei hoặc ZTE để phá vỡ và đánh chặn thông tin liên lạc của Mỹ.
The Wall Street Journal dẫn một tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ: “Bộ Quốc phòng rất quan ngại về năng lực mạng đang trỗi dậy của Trung Quốc hoặc bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào”.
Là một trong những công ty Trung Quốc đầu tiên mang tầm vóc toàn cầu, Huawei cho rằng họ là nạn nhân của những mối e ngại về một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, những lo sợ về an ninh mạng và vấn đề sở hữu trí tuệ. Còn các chính trị gia thì cho rằng việc Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng trên thế giới và Huawei – với tư cách là đại diện của nước này, sẽ dễ dàng có được sự kiểm soát về chính trị.
Các công ty cung cấp thiết bị viễn thông Mỹ cũng sợ giảm sút lợi nhuận do sự có mặt của Huawei. Điều tương tự như vậy đã xảy ra khi Huawei thâm nhập thị trường châu Âu. Trước khi Huawei thâm nhập châu Âu hồi cuối năm 2004, lợi nhuận của Ericsson và Alcatel-Lucent luôn ở mức cao nhưng sau đó đã giảm khoảng 30-35%. Công nghệ mới của Huawei giúp khách hàng tiết kiệm tối đa đã biến công ty này trở thành một đối thủ đáng gờm.
Đặc biệt hơn, có nhiều ý kiến cho rằng Huawei có thể là công cụ Trung Quốc sử dụng với các mục đích chính trị và an ninh. Đã có nhiều bài báo nghi vấn Huawei có liên hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc. Nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Huawei là Ren Zhengfei – cựu sĩ quan phụ trách về viễn thông trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng có nhiều cơ sở để thấy Chính phủ Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với Huawei trong một chiến lược dài hạn.
Huawei cho rằng họ chỉ là một tập đoàn đa quốc gia như General Electric (GE) hay IBM và cũng giống như bất kỳ một tập đoàn tư nhân nào khác. Tập đoàn này cũng chỉ ra rằng phần lớn các thiết bị của các đối thủ lớn như Ericsson, Alcatel-Lucent, hay Nokia Siemens được sản xuất tại Trung Quốc.
Bất chấp những cản trở trên, Huawei không có ý định từ bỏ việc chinh phục khách hàng Mỹ. Để xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà mạng và phát triển sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ, Huawei đã thuê nhiều giám đốc điều hành từ các công ty phương Tây như Cisco (CSCO), Ericsson, Intel (INTC), Nortel, hay Sun. Matt Bross. Giám đốc công nghệ toàn cầu của Huawei là người từng làm việc cho British Telecom. Để nâng cao vị thế của mình tại Washington, Huawei còn tham gia vào công ty vận động hành lang của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - William Cohen. Trong tháng 2 vừa rồi, Huawei đã cho công bố một là thư mở với nội dung sẵn sằng cho phép bất cứ cơ quan nào, kể cả chính phủ Mỹ, đến điều tra hoạt động kinh doanh của mình.
Hằng năm, các công ty của Mỹ chi khoảng 30 tỷ USD cho các thiết bị viễn thông, và con số này sẽ còn tăng hơn nữa khi mạng lưới viễn thông nâng cấp lên công nghệ 4G. Nếu Huawei có thể giải tỏa hết những nghi ngờ xung quanh mình thì công ty này có thể thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị trường Mỹ.
Tại Mỹ, cũng có nhiều người ủng hộ Huawei. Một trong số đó là William Plumme. Trước khi vào làm cho công ty hồi năm ngoái, ông đã làm cùng vị trí này tại Nokia. Ông đã có nhiều cuộc gặp với những thành viên chính phủ sẵn sàng lắng nghe lập trường của Huawei. Quan điểm của ông gói gọn trong câu nói: “Huawei là Huawei chứ không phải chính phủ Trung Quốc”.
Huawei khẳng định họ không có bất cứ mối liên hệ nào với chính phủ Trung Quốc. Và công ty này có trụ sở tại Thâm Quyến, gần biên giới Hong Kong, rất xa Bắc Kinh. Chỉ có 36% doanh thu của Huawei là từ nội địa Trung Quốc. Huawei cũng cho biết chính phủ Trung Quốc không có cổ phần trong công ty này. 100% cổ phần của Huawei do nhân viên công ty nắm giữ, trong đó Ren có 1,42%. Huawei cũng không thể phát hành cổ phiếu tra công chúng bởi luật pháp Trung Quốc không cho phép các công ty có cổ phần lớn thuộc về nhân viên phát hành cổ phiếu.
Người ta cho rằng Huawei có mối liên hệ với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Nhưng Plummer khẳng định đây là một sự hiểu lầm. Ông chỉ ra một công ty Trung Quốc khác có tên gần giống với Huawei mới thực sự do một sĩ quan của PLA quản lý và chuyên cung cấp thiết bị thông tin liên lạc cho Irag dưới thời Saddam Hussein.
Plummer cho biết một bài báo của trên tạp chí Wall Street Journal Asia năm 2001 đưa ra thông tin sai lệch này, sau đó là trong môt báo cáo của tập đoàn Rand (Mỹ) và tồn tại từ đó đến tận bây giờ. “Đây là một sự nhầm lẫn, Huawei chưa bao giờ có mối liên hệ nào với quân đội”, Plummber nói.
Để xoa dịu mối lo ngại về an ninh, Huawei đã tự nguyện tiết lộ mã nguồn của mình, nhờ vậy đã có được thành công tại nhiều nước như Ấn Độ và Anh, đồng thời chấp nhận sự giám sát liên tục bởi một công ty có tên là Electronic Warfare Associates (EWA). Bất kỳ khách hàng nào của Huawei cũng có thể tận dụng những điều tra của EWA để xác nhận thiết bị chính hiệu Huawei.
Tuy rằng chính sách bảo hộ và những thách thức tại thị trường Mỹ là những cản trở đối với sự phát triển của Huawei tại đây, nhưng công ty này vẫn không từ bỏ nỗ lực chinh phục khách hàng tại thị trường viễn thông lớn nhất thế giới này. Công ty này cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được những mục tiêu dài hạn của mình.
“Điều chúng tôi cần làm là kiên nhẫn”, Charles Ding, giám đốc Huawei tại khu vực Bắc Mỹ. Huawei dự đoán doanh thu toàn cầu của công ty sẽ tăng lên gấp 3 vào năm 2020, lên mức trên 100 tỷ USD. Nhưng mục tiêu đầy tham vọng của công ty Trung Quốc này sẽ không thể đạt được nếu họ không chinh phục được khách hàng Mỹ.
Tuyến Nguyễn tổng hợp