Vách đá tài khóa (Fiscal Cliff) là chương trình tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu năm 2013 trị giá hơn 600 tỷ USD của Mỹ. Chương trình trên sẽ có hiệu lực vào tháng 1 tới nếu Quốc hội nước này không có động thái giải quyết.
Vách đá này được tạo ra bởi Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama. Năm 2010, Mỹ gia hạn chương trình giảm thuế từ thời cựu Tổng thống Bush thêm hai năm, có nghĩa là việc giãn thuế thu nhập, thuế thặng dư vốn, cổ tức và bất động sản sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Năm 2011, để nâng trần nợ công liên bang, Mỹ tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách 1.200 tỷ USD trong 9 năm tới, bắt đầu từ tháng 1/2013. Năm 2012, nước này gia hạn việc giảm thuế lương 2% đến hết tháng 12. Tất cả những việc này được thiết kế để gây sức ép buộc Quốc hội phải hành động về thuế, chi tiêu và thâm hụt.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và Tổng thống Mỹ Barrack Obama. Ảnh: Financial Press |
Để giải quyết vách đá tài khóa, Tổng thống Obama đề nghị tăng thuế để thu về 1.600 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ông cũng cho rằng Mỹ nên cắt giảm 600 tỷ USD chi tiêu công, trong đó có 350 tỷ chăm sóc y tế. Việc này sẽ được chia làm hai giai đoạn. Ban đầu, chương trình tăng thuế sẽ áp dụng với người giàu, hiện chiếm 2% trong xã hội. Vì vậy, thuế thặng dư vốn sẽ được đẩy lên mức cao nhất là 23,8%, thuế thu nhập là 39,6% và thuế cổ tức là 43,4%. Những hạn chế về giảm và miễn thuế cũng sẽ được phục hồi.
Trong giai đoạn hai bắt đầu từ 1/8, Chính phủ Mỹ muốn Quốc hội thông qua kế hoạch nâng thuế trị giá khoảng 600 tỷ USD. Họ sẽ thực hiện hai chương trình: nâng thuế 1.000 tỷ USD và giảm thuế 360 tỷ USD để tạo ra mức tăng thuế ròng hơn 600 tỷ USD.
Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner trình bày tại Quốc hội ngày 29/11, trong cuộc bàn thảo với cả hai đảng về vách đá tài khóa. Tuy nhiên, những đề xuất trên đã không được Đảng Cộng hòa chấp nhận.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner còn công khai chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama và cho rằng "Nhà Trắng cần tỏ ra nghiêm túc hơn về vấn đề này". Boehner cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ được nghe một kế hoạch chi tiết về cắt giảm chi tiêu", nhưng những gì Nhà Trắng trình bày lại giống hệt bản kế hoạch ngân sách của Tổng thống tháng 2 năm ngoái.
Ngày hôm nay (4/12), trong một bức thư trình lên Tổng thống Obama, Hạ viện Mỹ cũng công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt của riêng họ trị giá 2.200 tỷ USD. Cơ quan này đề xuất cắt chi phí Chăm sóc y tế và an sinh xã hội, đồng thời đặt trần mức giảm thuế đối với người giàu.
Ông Boehner và một số lãnh đạo Đảng Cộng hòa dự tính cắt giảm 800 tỷ USD thuế trong thập kỷ tới và giảm tốc độ tăng trưởng của chi phí An sinh xã hội. Việc này sẽ giảm chi cho chương trình phúc lợi đặc biệt thêm ít nhất 900 tỷ USD, bao gồm cả nâng tuổi hưởng chăm sóc y tế, và giảm 300 tỷ USD những khoản chi tiêu không bắt buộc.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Truyền thông của Nhà Trắng - Dan Pfeiffer, kế hoạch này "không đáp ứng được yêu cầu cân bằng" và "chẳng có gì mới mẻ". Ông nhấn mạnh: "Trên thực tế, việc này chỉ là hạ thuế cho người giàu và đẩy gánh nặng lên vai tầng lớp trung lưu”.
Joe Minarik, một quan chức ngân sách dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton nhận xét những đề nghị này "rõ ràng là một nước cờ". Ông giải thích: "Nếu Đảng Cộng hòa chấp nhận đề án tăng thuế, Đảng Dân chủ cũng sẽ phải xê xích một chút với chương trình phúc lợi đặc biệt".
Theo Thượng nghị sĩ Max Baucus, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, cả hai bên vẫn có khả năng đi đến thống nhất nếu mức tăng thuế trên 1.000 tỷ USD và chi tiêu công giảm đáng kể. Ông cho rằng Mỹ không còn nhiều thời gian, trong khi cả hai bên lại rất kiên định với các vấn đề tối quan trọng như thuế, và việc tăng thuế hay giảm chi tiêu có xảy ra ngay lập tức hay không.
Tuần trước, trong một báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định GDP của Mỹ có thể chỉ tăng 2,2% năm nay và 2% năm sau. Nhà kinh tế trưởng của OECD - Pier Carlo Padoan cũng cho biết: "Nếu vách đá tài khóa không được giải quyết, Mỹ sẽ đẩy cả thế giới vào suy thoái”.
Bên cạnh vách đá tài khóa, nợ công cũng là vấn đề nóng trong các cuộc bàn thảo cuối năm tại Mỹ. Cường quốc số một thế giới này sẽ chạm mức trần nợ 16.400 tỷ USD năm nay. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, Bộ Tài chính có thể sử dụng các biện pháp chưa từng có để dời hạn chót tăng trần nợ sang tối thiểu giữa tháng 2 tới. Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu tương đương mức tăng giới hạn nợ. Còn Nhà Trắng lại muốn gỡ bỏ quy định việc tăng trần nợ phải được Quốc hội thông qua.
Thùy Linh (tổng hợp)