Trả lời trên kênh truyền hình CNBC ngày hôm nay, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết ông khó mà tin được vào việc Mỹ sẽ vỡ nợ. Summers cũng cảnh báo tín nhiệm quốc gia không phải là con tin trong cuộc chiến ngân sách của các nghị sĩ quốc hội.
Vị cựu Bộ trưởng này cho biết: "Thật phi lý khi cho rằng Mỹ sẽ vỡ nợ, sau 200 năm. Việc nghi ngờ tín nhiệm của chúng tôi là không thể hiểu được". Summers cho rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 đã giúp thế giới rút ra bài học về chuyện gì có thể xảy ra khi các tài sản an toàn bị đặt vào thế nguy hiểm. Mỹ không bao giờ nên "trải nghiệm" những việc này một lần nữa.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers tin tưởng Mỹ sẽ không vỡ nợ. Ảnh: Washington Note |
Ông nhận xét: "Mọi người nên ưu tiên việc trả nợ của Mỹ và cần phải bàn thảo tích cực để tìm ra đâu mới là vấn đề thực sự. Sự bền vững tài chính trong dài hạn chỉ có thể được bảo đảm khi chúng ta áp dụng cả hai biện pháp về chi tiêu và doanh thu".
Cuối tháng 2, chính phủ Mỹ sẽ chạm trần nợ công. Vì vậy, các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ lại phải ngồi với nhau để thống nhất nâng lên một mức trần nợ mới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đó sẽ lại là một cuộc chiến kịch liệt và gay cấn như 11 giờ đàm phán ngân sách cho năm 2013 vừa qua.
Summers cho rằng việc các nghị sĩ sử dụng tín nhiệm quốc gia làm con tin cho cuộc đàm phán nâng trần nợ là "không phù hợp và rất mất uy tín". Ông nói: "Tôi tự tin rằng Tổng thống sẽ dùng quyền lực của mình để duy trì sự ổn định chính trị dài hạn cho Mỹ trong cả 4 năm nhiệm kỳ. Vì vậy, ông ấy cần giải quyết cả vấn đề chi tiêu và doanh thu. Và Tổng thống sẽ làm như thế".
Nợ công của Mỹ đã chạm mốc 16.400 tỷ USD ngày 31/12/2012. Vì vậy, Bộ Tài chính nước này đang phải sử dụng những phương pháp mà họ gọi là "phi thường" để tăng ngân sách cho chính phủ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán đến giữa tháng 2, những biện pháp này sẽ không còn tác dụng nữa. Nếu Quốc hội không có động thái giải quyết, Mỹ sẽ vỡ nợ và khiến cả thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Thùy Linh (theo CNBC)