Italy bị hạ mất 2 điểm tín nhiệm, xuống còn Baa2. Ảnh: Dawn |
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's vừa hạ điểm của Italy từ A3 xuống còn Baa2, chỉ cao hơn mức "nguy hiểm" 2 điểm, đồng thời cảnh báo quốc gia này về nguy cơ chi phí vay mượn sẽ tiếp tục tăng lên. Động thái này đã dấy lên những mối lo ngại ảnh hưởng xấu đến Tây Ban Nha và Hy Lạp, đẩy giá cổ phiếu của các ngân hàng Italy xuống, đồng thời khiến đồng euro xuống gần mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua so với đồng đôla Mỹ.
Moody's cho hay chính sách kinh tế ngắn hạn của Italy lúc này đang trở nên sai lầm và tình hình trên thị trường tín dụng của quốc gia này có thể còn khó khăn hơn bây giờ. Hôm thứ 5 tuần trước, Italy đã hạ lãi suất trái phiếu kỳ hạn một năm xuống mức thấp hơn so với trước đây, với hy vọng tăng mức tự tin của các nhà đầu tư. Nhưng ngay khi Moody's hạ điểm tín nhiệm vào ngày thứ 6, thì Italy đã rót thêm 3,5 tỷ euro vào trái phiếu trung hạn chính phủ, đẩy mức lãi suất từ 5,3% xuống còn 4,65%.
Cơ quan đánh giá tín nhiệm này nhận định: "Nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi EU ngày càng cao, trong khi đó hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha sắp gặp cảnh tụt giảm tín nhiệm cao hơn dự tính. Tình hình kinh tế của Italy trong ngắn hạn đang gặp khó, khi mức tăng trưởng đang yếu đi, còn tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên, đẩy cao nguy cơ không thực hiện được các mục tiêu ổn định tài chính đã đề ra. Điều này sẽ gây suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư đối với thị trường.
Cổ phiếu của Unicredit, ngân hàng lớn nhất của Italy (tính theo giá trị tài sản) đã hạ 1,7% sau tuyên bố của Moody's. Công ty cho vay lớn nhất Italy là Intesa Sanpaolo cũng đánh mất 1,6% giá trị cổ phiếu. Trên thị trường hiện tại, một euro đổi được 1,2192 USD, gần nhất so với mức thấp từ tháng 6 năm 2010.
Tháng 6 vừa rồi, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận thành lập hai quỹ cứu trợ là Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và Quỹ bình ổn châu Âu (ESM) nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phải gánh nợ. Tuy nhiên Moody's nhận định đối với những nền kinh tế lớn và mang tính hệ thống cao như Italy thì các biện pháp này vẫn còn những giới hạn nhất định.
Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 tại khu vực châu Âu, đứng sau Đức và Pháp. Trong khi ngân hàng của Italy không gặp cảnh nợ xấu tồi tệ như Tây Ban Nha, thì lại vướng phải các vấn đề về cơ cấu, bao gồm sản xuất kém, các ngành công cộng kém hiệu quả và sự phân chia rõ nét giữa hai miền bắc và nam. Nền kinh tế của quốc gia này đã ghi nhận cảnh tăng trưởng yếu kém trong nhiều năm liên tiếp, dù đã sử dụng đồng tiền chung euro từ năm 1999.
Hồi tháng 4, Chính phủ Italy đã hạ dự đoán tăng trưởng năm 2012, cho rằng GDP sẽ giảm 1,2% thay vì 0,4% như trước. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định GDP của Italy sẽ giảm tới 1,9% trong năm nay.
Anh Quân