Số cần cẩu hiếm hoi còn "sống" này đều thuộc các dự án làm bằng tiền ngân sách, như hệ thống đường sắt cao tốc. Còn phần lớn các anh em của chúng đều uể oải, hoặc thậm chí dừng hẳn vào ban ngày, và tắt lịm ban đêm.
Hình ảnh này có thể dễ gặp khắp nơi trên đất Trung Quốc. Khi Bắc Kinh đang chuẩn bị một gói đầu tư công nhằm cứu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng như các chính quyền cấp địa phương đang oằn lưng gánh nợ nần, đều tỏ ra thờ ơ đối vì không còn khả năng hấp thu các khoản đầu tư lần nữa.
Cần cẩu bên một công trình xây dựng đư sắt cao tốc ở ngoại ô Thành Đô, tây nam Trung Quốc. Ảnh: NYT |
Các số liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm chủ nhật cũng cho thấy rõ hiện trạng ì ạch trong nền kinh tế số 2 thế giới. Đầu tư vào cao ốc và bất động sản giậm chân tại chỗ. Các nhà sản xuất đang e dè và giảm tốc độ cũng như mục tiêu sản lượng, bởi họ còn đống hàng tồn trong kho. Ngay cả lĩnh vực dịch vụ, vốn được cho là chưa phát triển hết và có nhiều tiềm năng, cũng cho thấy những dấu hiệu khó khăn.
"Kinh doanh dạo này ế ẩm - người ta không mua mà chỉ toàn đi xem, mà cũng chả có mấy người đi xem", Zhong Yongping, chủ một trung tâm làm đẹp ở trung tâm Thành Đô, than phiền. Chị vừa đánh một giấc ngủ trưa trong lúc chờ khách.
Tính đến tháng 8, sản lượng công nghiệp tăng 8,9% so với cùng kỳ. Con số này nhỏ hơn mức các nhà kinh tế dự đoán, và thấp nhất kể từ tháng 5/2009, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hoành hành ác liệt.
Tuy nhiên vấn đề cốt lõi nhất, được thể hiện bằng những cánh tay cần cẩu uể oải hoặc bất động ở Thành Đô, nằm trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực từng là động lực đi lên của kinh tế Trung Quốc.
"Xây dựng chững lại rồi", Zhao Chenzhen, một thợ điện trẻ vừa nói vừa cùng các bạn đồng nghiệp của anh bước ra từ một toà nhà đang xây dở tối om ở Thành Đô một chiều thứ sáu.
Tại APEC, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua tình trạng "thiếu cân bằng, phối hợp và bền vững". Ông ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ kích thích kinh tế: "Chúng tôi sẽ đẩy manh nhu cầu trong nước và duy trì tăng trưởng ổn định vững mạnh, kiềm chế giá cả".
Các chủ ngân hàng và doanh nhân khắp Trung Quốc cho hay các chủ đầu tư ngành bất động sản đang giảm tiến độ xây dựng, chỉ hoạt động ở mức sao cho tiết kiệm tiền nhất để tránh phá sản. Tiến độ chậm lại được thể hiện ở việc công nhân chỉ làm việc một thay vì ba ca liên tục ngày đêm như trước kia, cũng đựoc phản ánh trong báo cáo thống kê vừa công bố.
Đầu tư vào bất động sản trong 8 tháng đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là con số thấp thứ nhì kể từ tháng 12/2002, chỉ cao hơn chút ít so với con số tính đến tháng 5 vừa rồi.
Li Hongzhi, môi giới nhà đất ở Thành Đô, cho hay giá bán bất động sản đã giảm 5% so với năm ngoái, nhưng số căn hộ được sang tay rất thấp và ngày càng giảm. Nó cho thấy các khách hàng tiềm năng còn mong chờ chủ đầu tư giảm giá thêm nữa. Số hợp đồng mua bán căn hộ mà Li đạt được năm nay thấp hơn 30% so với năm ngoái. Các biện pháp chống đầu cơ nhà đất của chính phủ và thành phố vẫn đang được xiết chặt, nhằm đưa giá nhà xuống gần với mức chi tiêu của người có nhu cầu mua để ở hơn.
Ngoài xây dựng và nhà đất, số liệu thống kê của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế đều cho thấy sự chững lại ở Trung Quốc. Doanh số bán lẻ tăng 13,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ, tiếp tục tốc độ chậm chạp của cả mùa hè vừa rồi.
Giá thành sản xuất giảm 3,5% so cùng kỳ, bởi các công ty đang chấp nhận bán thành phẩm với giá hạ hơn, hy vọng tống khứ đựoc đống hàng tồn.
Trong khi đó, nhìn từ phía người tiêu dùng, lạm phát vẫn tăng nhẹ với mức 2%, so với 1,8% của tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là giá thực phẩm tăng. Lạm phát khiến chính phủ khó thực hiện biện pháp kích thích kinh tế, bởi nó dẫn ngày đến nguy cơ tăng giá hơn nữa.
Trước khi các số liệu này được công bố, giới chuyên gia đã cho rằng tăng trưỏng của Trung Quốc quý 3 chỉ đạt 7,3 % và tiếp tục đi xuống 7% trong quý tiếp theo, thấp hơn mục tiêu chính phủ đề ra.
Nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng to tiền như nhà cửa, căn hộ và ô tô đi xuống, Trung Quốc còn phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu từ nước ngoài, do khủng hoảng kinh tế châu Âu. Điều này càng khiến các kho hàng tồn phình ra, đặc biệt trong ngành sản xuất chế tạo.
"Việc kinh doanh của tôi sụt giảm 15% trong năm nay", cô Zhong, chủ trung tâm làm đẹp, cho biết. "Khách hàng đang thắt lưng buộc bụng và chi tiêu ít hơn; họ chọn ít dịch vụ hơn, mà lại toàn chọn dịch vụ rẻ, chứ không như trước".
Mai Trang (theo NYT)