Christine Lagarde, giám đốc điều hành của IMF cho biết, căng thẳng chính trị đang có tác động xấu đến kinh tế, dẫn đến tăng trưởng chậm lại ở cả các nền kinh tế lớn cũng như mới nổi. IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu lần thứ 2 kể từ tháng 4/2012. "Chúng tôi mong đợi những hành động quyết đoán và hợp tác giữa các thành viên của mình", bà Lagarde chia sẻ trong cuộc họp với World Bank ở Tokyo.
Các nền kinh tế, thị trường mới nổi chính là nhân tố quan trọng trong việc đưa nền kinh tế thế giới phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2009. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động đến các quốc gia này. Brazil đã phải cắt giảm lãi suất vào 10/10. Hàn Quốc cũng có hành động tương tự vào hôm nay.
"Các nước đang phát triển là động cơ của tăng trưởng toàn cầu sẽ không tránh được những tác động xấu đang diễn ra trên thế giới", ông JimYoung Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết. "Mỗi quốc gia sẽ phải chịu tác động trong các thời điểm khác nhau. Những người nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn nhất, họ không có đủ điều kiện để sinh sống qua ngày".
Bà Christine Lagarde, giám đốc điều hành của IMF kêu gọi một sự hợp tác giữa các nước thành viên để giải quyết vấn đề kinh tế toàn cầu. Ảnh CNBC |
IMF bày tỏ sự thất vọng với việc xử lý khủng hoảng nợ ở châu Âu. Lãi suất đi vay của chính phủ Tây Ban Nha chỉ có thể được khống chế trong thời gian ngắn, trừ khi các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro có thể đưa ra một kế hoạch hoàn hảo và khả thi. Hãng xếp hạng Standard & Poor’s đã hạ tín nhiệm của Tây Ban Nha xuống BBB- vào hôm qua, chỉ cách mức “rác” một bậc. Moody’s cũng sẽ sớm đưa ra đánh giá của mình.
IMF đã sẵn sàng để tung ra một gói cứu trợ cho Tây Ban Nha nếu quốc gia này có nhu cầu. Tuy nhiên, Đức lại muốn hỗ trợ Tây Ban Nha cùng một số nước khác như Hy Lạp nên không chấp nhận đề nghị của IMF.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Koriki Jojima đánh giá cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và các vấn đề trong lĩnh vực tài chính đang là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Châu Âu cần nhanh chóng thống nhất được các bước để giải quyết những khó khăn trong khu vực.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng phải chịu lời chỉ trích từ IMF khi thất bại trong một kế hoạch trung hạn để giải quyết vấn đề tài chính của mình. Trong báo cáo ổn định tài chính, IMF cho biết rắc rối của châu Âu chính là một lời cảnh báo với Nhật Bản với khoản nợ ước tính gấp hơn hai lần tồng GDP.
Nguyễn Tâm (theo CNBC)