Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày hôm qua (29/4), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nhà hoạch định chính sách châu Á cần sẵn sàng phản ứng "sớm và kiên quyết" trước nguy cơ nền kinh tế quá nóng, do tăng trưởng tín dụng nhanh và giá tài sản ngày một cao.
IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ nhanh gấp năm lần các nước phát triển năm nay. Các nhà đầu tư ưa mạo hiểm cũng khiến dòng vốn nóng chảy vào đây tăng mạnh. Ngân hàng trung ương Nhật Bản tháng này đã nối gót Mỹ và châu Âu, tung gói kích thích kỷ lục ra thị trường. Động thái trên có thể khiến các thị trường mới nổi châu Á như Philippines nhận dòng vốn mạnh, ảnh hưởng đến nỗ lực kiềm chế giá của Chính phủ nước này.
![]() |
Gói kích thích của Nhật Bản sẽ khiến dòng vốn nóng tại châu Á tăng mạnh. Ảnh: CNN |
Tình trạng mất cân bằng tài chính và giá tài sản cao, do tăng trưởng tín dụng và nới lỏng tài khóa, đang gia tăng tại một số nước châu Á. IMF cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải thực hiện việc này càng sớm càng tốt - vừa chống lại mất cân bằng tài chính, đồng thời phải đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng".
Báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh mối lo mà Ngân hàng Thế giới (WB) nêu ra hồi giữa tháng. WB nhận định các nền kinh tế mới nổi trong khu vực cần xem xét kiềm chế nới lỏng tiền tệ. Nhật Bản cần có chính sách hiệu quả hơn để giảm nợ công. Trong khi đó, thách thức của Trung Quốc là kiềm chế tăng trưởng tín dụng đen.
Châu Á sẽ là động cơ tăng trưởng của thế giới khi nhu cầu trong nước được hỗ trợ bởi thị trường lao động dồi dào, niềm tin và thu nhập người tiêu dùng tăng lên, thất nghiệp giảm đi và lương cũng cao hơn, IMF cho biết. Các nền kinh tế này cũng được hưởng lợi từ đà tăng trưởng của Trung Quốc và chương trình kích thích của Nhật Bản.
Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% năm nay và 8,2% năm sau. GDP Ấn Độ tăng 5,7% năm nay và 6,2% năm tới. Trong khi đó, tăng trưởng của Việt Nam cả hai năm đều đứng yên ở 5,2%.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rủi ro bên ngoài, như khủng hoảng châu Âu, vẫn rất lớn. Dòng vốn nóng có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực, IMF cho biết. Nếu kinh tế toàn cầu suy giảm, dòng vốn rút ra nhanh và nhu cầu bên ngoài yếu sẽ kéo các nền kinh tế cởi mở nhất châu Á xuống rất mạnh. Theo IMF, khi ấy, vốn đầu tư sẽ thấp đi, việc làm tại các lĩnh vực phụ thuộc xuất khẩu và kiều hối cũng giảm mạnh.
Thùy Linh (theo SCMP)