Khủng hoảng nợ công Hy Lạp có thể đe dọa cả châu Âu. |
Mới đây, S&P cho biết Hy Lạp có thể bị vỡ nợ nếu nước này thực hiện kế hoạch gia hạn nợ được các ngân hàng Pháp ủng hộ. Theo đó, các ngân hàng Pháp, là chủ nợ lớn của Hy Lạp, đề xuất ý tưởng mua lại các trái phiếu đến hạn của nước này với kỳ hạn mới.
Có thể số nợ 330 tỷ bảng Anh của Hy Lạp chưa đủ lớn để gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng một khi tiền lệ vỡ nợ được thiết lập trong khu vực đồng tiền chung, các nhà đầu tư sẽ quay lưng với khoản nợ của những nước đang khó khăn khác như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Đáng lo ngại hơn khi các ngân hàng phương Tây và những đại gia phố Wall đang nắm giữ rất nhiều hợp đồng bảo hiểm nợ từ những nước trên, do đó phí chi trả bảo hiểm khi các nước này vỡ nợ sẽ lên mức khổng lồ. Trong khi Đức và Pháp là 2 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu Hy Lạp vỡ nợ, thì các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Mỹ sẽ phải chiu trách nhiệm lớn nhất trong việc chi trả bảo hiểm nợ của Hy Lạp.
Cuối tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng tiền chung euro đã đi đến quyết định sẽ hỗ trợ cho Athens 8,7 tỷ Euro (12,6 tỷ euro) từ gói cứu trợ 110 tỷ euro đã thống nhất năm ngoái, để giúp chính phủ nước này tiếp tục hoạt động qua mùa hè. Trong ngắn hạn, khoản viện trợ này sẽ giúp đẩy lùi nguy cơ phá sản của Hy Lạp.
Tuy nhiên, các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone không dễ đưa ra gói cứu trợ tiếp theo, trị giá 90 tỷ euro, giúp Hy Lạp cầm cự cho đến năm 2014 – thời điểm mà nước này được kỳ vọng sẽ có thể trở lại thị trường tín dụng. Chính vì bài toán hóc búa này mà cuộc thảo luận về gói trợ cấp đã diễn ra trong nhiều tháng nay nhưng chưa đi đến hồi kết.
Hôm 27/6, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết các ngân hàng Pháp đã thông qua một kế hoạch tái đầu tư các khoản nợ của Hy Lạp đáo hạn từ nay đến 2014 thành chứng khoán dài hạn. Các ngân hàng lớn của Đức cũng đã đồng ý gia hạn cho một số khoản nợ của Hy Lạp.
Tuy nhiên, Standard & Poor cho rằng những trao đổi và tái cơ cấu nợ như vậy là chính là một kiểu vỡ nợ, bởi đó là một khoản đầu tư không có tiềm năng, lợi nhuận mang lại còn thấp hơn lãi suất của chứng khoán ban đầu. Và trong kế hoạch gia hạn của các ngân hàng Pháp đều tiềm ẩn cả hai điều trên.
Vào tháng trước, S&P đã hạ xếp hạng của Hy Lạp từ B xuống CCC, mức xếp hạng thấp nhất thế giới và đưa ra quan điểm rằng, bất kỳ sự tái cơ cấu nợ nào của nước này cũng sẽ dẫn đến vỡ nợ.
Tuyến Nguyễn - Tạ Linh tổng hợp