Với 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, kế hoạch nâng giới hạn vay nợ do 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa soạn thảo chung đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào cuối ngày 1/8. Kế hoạch này sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu khác tại Thượng viện và được đích thân Tổng thống Barack Obama chấp thuận trước khi chính thức được đưa vào thực hiện.
Nước Mỹ nhiều khả năng sẽ thoát nguy cơ vỡ nợ. Ảnh: AFP |
Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc 12 giờ trưa (giờ địa phương) ngày hôm nay, Thượng viện Mỹ sẽ cần ít nhất 60 phiếu thuận (trong tổng số 100 ghế) để thông qua dự thảo. Tuy nhiên, đây dường như chỉ còn là vấn đề thủ tục bởi đại diện cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa trước đó đều cho biết đã chấp nhận bản kế hoạch nêu trên.
Theo kế hoạch vừa được Hạ viện thông qua, giới hạn vay nợ của Mỹ sẽ được nâng thêm 2.400 tỷ USD so với con số 14.300 tỷ hiện tại. Mức nâng này đủ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới không vướng bận nhiều về vấn đề trần nợ cho đến hết cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Mỗi tháng, Mỹ chi nhiều hơn thu khoảng 200 tỷ USD.
Đổi lại việc được phép nâng giới hạn vay, Chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm ngay 900 tỷ USD chi tiêu trong năm 2011, bao gồm cả ngân sách quốc phòng và phi quốc phòng. Ngoài ra, 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đồng ý thành lập một “siêu” ủy ban nhằm soạn thảo kế hoạch giúp nước Mỹ cắt giảm thêm tới 1.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Kế hoạch này sẽ một lần nữa được bỏ phiếu vào tháng 11 tới.
Công bố kế hoạch nâng trần nợ vào cuối tuần trước, Tổng thống Barack Obama cho biết, dù ông chưa thực sự hài lòng với giải pháp này nhưng đó được xem là liều thuốc cần thiết và cấp bách để cứu nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Nhật Minh