Vận hành đường ống dẫn dầu tại châu Âu. Ảnh: AP. |
Vào lúc đóng cửa thị trường New York đêm qua, các hợp đồng giao dầu tháng 2 chốt 99,62 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, trước đó, bên mua và bên bán đã đẩy giá lên tới hơn 100 USD.
Tại London, dầu thô Brent tăng lên 97,84 USD mỗi thùng.
Trước dự báo kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, giới đầu tư lo ngại hai nền kinh tế châu Á này sẽ "ngốn" lượng dầu khổng lồ, thậm chí vượt qua khả năng cung ứng của các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Một loạt tin xấu dồn dập trong những ngày đầu năm càng khiến giá mặt hàng này đội lên. Hôm thứ ba, lực lượng có vũ trang đã tấn công cảng Harcourt, trung tâm xuất khẩu dầu mỏ của Nigeria, khiến giới đầu tư lo ngại về việc nguồn cung bị gián đoạn.
Trong khi đó, một vài nhà máy lọc dầu của Mexico lại phải đóng cửa do thời tiết xấu. Một báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng cho thấy đến năm 2024, nhiều khả năng tổ chức này sẽ không thể đáp ứng nhu cầu dầu thế giới.
Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ không xuất hàng từ kho dự trữ chiến lược của quốc gia này để hạ giá dầu, trừ phi trong trường hợp khẩn cấp thực sự.
Năm 1980, dầu cũng đã lên tới 38 USD, tính theo tốc độ trượt giá của đồng đôla, tương đương 96-100 USD hiện nay.
Trong năm qua, do biến động giá dầu thế giới, VN đã điều chỉnh giá xăng tới 5 lần, với mức tăng chung 2.500 đồng mỗi lít xăng. Lần mới nhất, vào ngày 22/11/2007, khi giá dầu thế giới chạm 99 USD mỗi thùng, giá xăng trong nước buộc phải tăng thêm 1.700 đồng mỗi lít. Giá xăng tăng đã tác động đến giá nhiều mặt hàng khác, đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm lên mức hai con số.
Nguyễn Minh (theo AP)