Trong một thông báo phát ra bên lề hội nghị thường niên đang diễn ra ở Tokyo, IMF dự đoán các ngân hàng châu Âu sẽ phải bán tháo 4.500 tỷ USD tài sản, cao hơn 18% so với con số 3.800 tỷ USD trong tháng 4, nếu các nhà làm chính sách không tìm ra cách để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Thất bại trong thực hiện các chính sách thắt chặt hoặc thành lập một hệ thống giám sát trong thời gian thỏa thuận có thể khiến 58 ngân hàng ở châu Âu, từ UniCredit SpA (UCG) đến Deutshe Bank AG (DBK) phải thu hẹp quy mô tài sản. Điều này sẽ làm tín dụng của khu vực bị tổn thương và có thể làm giảm 0,4% tăng trưởng của Hy Lạp, Cyprus, Ireland, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong năm tới.
IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo khả năng lan rộng của cuộc khủng hoảng châu Âu nếu các lãnh đạo khu vực không giải quyết các mối đe dọa đến nền kinh tế của họ. Trong khi tác động từ kế hoạch mua trái phiếu chính phủ các nước khủng hoảng cần có độ trễ, yêu cầu một gói cứu trợ của Tây Ban Nha sẽ đẩy chi phí đi vay lên cao.
IMF cho biết các ngân hàng châu Âu cần bán 4.500 tỷ USD để có thể giải quyết khủng hoảng. Ảnh Bloomberg |
"Các cơ chế giải cứu châu Âu và chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu phải chú ý đến thực sự trên thị trường, không phải trên giả thuyết và nên đi kèm với điều kiện đáng tin cậy", Jose Vinals, Giám đốc tiền tệ và bộ phận vốn của IMF cho biết, "Khôi phục lòng tin của nhà đầu tư là nhân tố quan trọng để duy trì sự ổn định cho khu vực đồng euro".
Báo cáo ổn định tài chính của IMF cũng cho biết, khu vực châu Âu chứng kiến sự bốc hơi nguồn vốn lớn trong suốt 12 tháng, tính đến ngày 31/7 đã có 326 tỷ euro tiền gửi bị rút khỏi các ngân hàng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lap. IMF cũng đưa ra cảnh báo rủi ro tài chính đối với Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, các thị trường mới nổi tỏ ra vẫn trụ vững trước các cú sốc kinh tế toàn cầu.
Nguyễn Tâm (theo Bloomberg)