- Giá nhà ở của Việt Nam trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động trong khi tỷ lệ này ở châu Âu là 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần. Ông nhìn nhận những con số này thế nào?
- Đấy là một nghịch lý. Ở những nước có nền kinh tế phát triển thì các chính sách luật, thương mại có bề dày lịch sử. Thị trường bất động sản của Việt Nam còn non trẻ nên phải chấp nhận thông qua đổ vỡ của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm thực tế để chính sách được bổ sung, điều chỉnh dần.
Ở một số quốc gia, không có chuyện thất thoát trong đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, hay khoản chi phí cho người làm chính sách. Trong khi đó, ở Việt Nam muốn xây dự án phải mất 3 năm tốn kém về thủ tục. Giá nhà cao, mẫu mã xấu, quy hoạch chất lượng quản lý kém, chi phí vô hình nhiều dẫn tới việc giá cả cao. Mình làm rồi mới phát hiện ra sai còn ở các nước phát triển phát hiện ra sai sẽ không cho làm.
- Phải làm thế nào để nhà giúp người dân tiếp cận được với nhà giá rẻ thưa ông?
- Bất động sản giá cao so với thu nhập và mức sống của người dân là không chấp nhận được. Quan điểm phải hạ giá nhà để người khó khăn có thể tiếp cận được nhà là hoàn toàn đúng. Ở góc nhìn nhỏ, tôi cho rằng, sự phản biện "không hạ giá người nghèo không mua được nhà là hoàn toàn chính xác".
Nhưng nhìn ở góc độ lớn hơn thì không phải vậy. Nếu bất động sản giảm giá thê thảm, câu hỏi đặt ra người nghèo có mua được không? Các nhà chuyên môn đã nói khi giá bất động sản giảm xuống, trước đây một tỷ nay còn 500 triệu hoặc còn 200 triệu thì người nghèo không bao giờ mua được cả. Bởi vì đã là người nghèo thì không đủ sức cũng như tiềm năng để giành giật với những đơn vị có thể buôn cả lố, cả dãy thậm chí cả khu. Những đơn vị này sẽ mua hết và không bao giờ họ "nhằn" lại một căn nào đó cho người nghèo.
"Nghị quyết 02 không có từ nào về giải cứu đại gia hay bất động sản". Ảnh: Hoàng Lan. |
- Giảm giá bất động sản chưa phải là một cách hay, vậy theo ông, đâu mới là biện pháp giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho?
- Có thể hình dung thế này, các doanh nghiệp bất động sản đang đứng ở trên một con phà, lượng phao cứu sinh chỉ có giới hạn. Đối tượng được tháo gỡ hiện nay là ưu tiên nhà xã hội, nhà thương mại giá rẻ. Tôi cho rằng, để giải phóng hàng tồn kho thì Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ, giãn thuế... cho doanh nghiệp có lý lịch tốt.
- Chuyện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gần đây gây xôn xao vì lo ngại các đại gia địa ốc sẽ được hưởng lợi còn người dân thì không, ông chia sẻ về vấn đề này thế nào?
- Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thì Chính phủ đã có nghị quyết 02 nhưng tiếc là nhiều người không đọc kỹ. Phạm vi áp dụng cho đa ngành nghề trong đó có bất động sản với mục đích là hỗ trợ thị trường, vực dậy cả nền kinh tế giải phóng hàng tồn kho và phát triển đầu tư.... Nghị quyết 02 không có từ nào về giải cứu đại gia hay bất động sản. Tôi không hiểu sao mọi người lại nghĩ là dùng thuế của dân để cứu đại gia bất động sản, cứu người giàu.
- Đứng ở góc độ Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, ông đánh giá thế nào về cách làm ăn của nhiều doanh nghiệp trong ngành khi có nhiều dự án bán nhà trên giấy nhưng giá cả quá cao, chậm tiến độ khiến hàng loạt vụ tranh chấp xảy ra?
- Rất khó để nói tỷ lệ bao nhiêu trường hợp làm ăn nghiêm túc hay chụp giật. Có một thực tế là những trường hợp làm ăn nghiêm túc lại là doanh nghiệp rất "dễ chết". Tất cả những hậu quả xảy ra chúng ta đã nhìn thấy rồi, đầu tư không theo quy hoạch, nghiên cứu thị trường kém dẫn tới cung cầu không khớp làm hàng không tồn kho nhiều. Bạt ngàn những dự án dở dang trong khi doanh nghiệp đã tốn rất nhiều tiền mặt vào đó. Các mặt hàng vật liệu xây dựng như kính, sơn, gạch, thạch cao... tồn kho lớn, do đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi cho rằng, vấn đề cần làm hiện nay là cần giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu, tái cấp vốn cho doanh nghiệp...
- Theo một báo cáo, doanh nghiệp ngành xây dựng hơn 60% báo lãi, vậy sức khỏe thực sự của doanh nghiệp hiện nay ra sao thưa ông?
- Cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ khó khăn như giai đoạn này và trong năm 2013-2014 còn khó khăn hơn nhiều. Lý do là trước đó Chính phủ đã thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát khiến cộng đồng doanh nghiệp bị động về nguồn vốn. Còn xét riêng những doanh nghiệp xây dựng, đơn vị nào có đầu tư liên kết với các tổ chức tài chính ở nước ngoài thì sống tốt. Doanh nghiệp nội địa có vốn tự lực như "ngàn cân treo sợi tóc". Vật liệu xây dựng có hàng tồn kho lớn khiến doanh nghiệp không có tiền để trả cho nhà thầu, công nhân và doanh nghiệp cũng không đóng thuế.
- Quan điểm của ông thế nào trước ý kiến nhiều doanh nghiệp mong 'thoát' khỏi thị trường bất động sản nhưng hàng không bán được, phá sản không xong thậm chí mong ngân hàng siết nợ?
- Doanh nghiệp cũng giống như đời người. Theo quy luật sống tự nhiên, không ai muốn chết. Tôi cho rằng không có doanh nghiệp nào muốn tự tử hay xin được tử hình cả, hơn nữa, thủ tục xin "chết" cũng còn nhiêu khê lắm nên muốn "chết" cũng rất khó. Trường hợp doanh nghiệp buộc phải thay đổi, buông tay vì thực lực không còn thì đành phải chấp nhận. Bản năng sống của doanh nghiệp sẽ chống cự đến phút cuối cùng để không bị phá sản, thế nên mới có chuyện doanh nghiệp xin trả lại dự án cho thành phố
Tất nhiên, những đơn vị yếu kém không để cho "chết" thì cũng tự "chết" vì cuộc chơi này hoàn toàn sòng phẳng. Đây là sự sàng lọc tự nhiên của thị trường. Chính phủ không hỗ trợ một doanh nghiệp nào mà cơ hội dàn trải cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Có hơn 500 sàn giao dịch và trung tâm môi giới dừng phá sản, đóng cửa thì vẫn có những sàn làm ăn tốt hiệu quả.
Hoàng Lan