Theo chương trình, trích đoạn cải lương Ngao Sò Ốc Hến của NSND Năm Châu diễn ra khá muộn, nằm sau nhiều tiết mục khác. Tuy vậy, sự hợp diễn của 5 tên tuổi: Bảo Quốc, Hoài Linh, Minh Nhí, Thanh Hoàng và Anh Vũ níu chân khán giả tiếp tục ngồi lại rạp Hưng Đạo để thưởng thức màn kịch.
Hoài Linh (trái) diễn xuất ăn ý với NSƯT Bảo Quốc. |
NSƯT Bảo Quốc vào vai quan xử án mê gái, tham lam, khoác lên bộ mặt giả tạo đến tức cười. Minh Nhí là một Trùm Sò thương tiền hơn mạng sống. Hoài Linh, vốn có sở trường là các vai giả gái, thổi vào nhân vật Thị Hến sự lẳng lơ, ngoa ngoắt, tinh khôn và đáo để. Bên cạnh đó, nét diễn hài tỉnh rụi của Thanh Hoàng trong vai Lý trưởng, cùng thầy đề láu cá Anh Vũ làm vở kịch đậm màu sắc dân gian như Ngao Sò Ốc Hến có được tiếng cười mới mẻ với nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân tình, thế thái.
Hoài Linh luôn đón nhận được sự yêu mến của khán giả và níu người xem ở lại với chương trình. |
Bên cạnh Ngao Sò Ốc Hến, đêm mừng Ngày sân khấu Việt Nam này còn hai trích đoạn cải lương được khán giả yêu thích.
NSƯT Lệ Thủy tái ngộ bạn diễn một thời của chị là nghệ sĩ Trọng Hữu trong vở diễn kinh điển Tô Ánh Nguyệt, soạn giả Trần Hữu Trang. Diễn xuất của hai nghệ sĩ kỳ cựu có làn hơi, giọng ca ngọt ngào vượt qua tuổi tác khiến cho khán phòng vang lên nhiều tiếng trầm trồ, thán phục của người mộ điệu. NSƯT Thoại Mỹ, Vũ Luân, ca sĩ Phương Thanh và nghệ sĩ Bảo Quốc diễn một đoạn của vở Chiếc áo thiên nga, soạn giả Lê Duy Hạnh, được đánh giá là tiết mục hay khi thể hiện không khí của huyền sử tình yêu đẫm nước mắt và bi hùng.
Chương trình mừng Ngày sân khấu Việt Nam lần đầu tiên diễn ra tại TP HCM được đánh giá là chưa có nhiều nổi bật so với các chương trình mừng giỗ tổ sân khấu thường niên trước đây. |
Trước khi được thưởng thức tài diễn xuất của nghệ sĩ mình yêu thích, khán giả TP HCM phải chờ đợi khá lâu vì phần lễ của đêm mừng Ngày sân khấu Việt Nam nhiều nghi thức, phát biểu. "Tôi nghĩ ý nghĩa của Ngày sân khấu nằm ở chỗ tôn vinh nghệ sĩ, tác phẩm hay. Ban tổ chức nên tạo điều kiện cho khán giả được thưởng thức thêm các tác phẩm sân khấu và không nên tập trung quá nhiều vào nghi thức", anh Quang Định, nhà ở quận 1, góp ý.
Ngoài ra, có khán giả cho rằng, năm đầu tiên Ngày sân khấu Việt Nam (ngày 12/8 Âm lịch) ra đời nhưng chương trình biểu diễn do Hội sân khấu TP HCM tổ chức tại rạp Hưng Đạo không khác gì nhiều so với các chương trình mừng giỗ tổ thường niên của ngành. Thêm vào đó, các sân khấu khác như: sân khấu kịch Phú Nhuận, Idecaf, Hoàng Thái Thanh... đều có những buổi lễ mừng giỗ tổ riêng của sân khấu mình và bận rộn lịch diễn nên chưa có dịp góp mặt vào chương trình chung.
Trước đó, tại buổi họp báo ở trụ sở Hội sân khấu, ông Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội cho rằng, ban tổ chức đã cố gắng hết sức để có được một chương trình tôn vinh ngày lễ của ngành, dù thời gian chuẩn bị gấp gáp. Những năm sau, với thời gian dài hơn, Hội hy vọng kêu gọi được nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa của TP HCM cùng tham gia tổ chức ngày lễ, cũng như có thêm các buổi hội thảo, tọa đàm bàn về thực trạng sân khấu.
Thoại Hà