Đạo diễn Việt Linh.
- Sự đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp đã giúp gì cho mạch “tự tình dân tộc” trong phim của chị?
- Đúng là phải đi xa mới nhớ, mới thấy quý yêu đất nước hơn. Ở trong nước không thấy thiếu, nhưng lúc ra ngoài, mặc cảm ở xa khiến mình luôn thấy thèm, thấy thiếu cái “hơi hám” Việt Nam. Xét cho cùng, làm Mê Thảo hay lọ mọ chút không khí Việt cho căn nhà nhỏ ở Paris cũng chỉ là một cách tự trấn an, tự làm vơi bớt nỗi nhớ thôi.
- Trong những lý do: kiệt sức, mệt mỏi, và về sau là vì con, chị nghĩ mình sẽ thôi xông pha điện ảnh vì lý do nào?
- Chắc là không, trừ khi vì lý do sức khỏe và... hết tiền. Nếu có những phân vân nào đó thì chỉ đối với con. Nhưng con gái tôi đã đồng ý cho mẹ xông pha với điều kiện "mẹ phải làm phim đẹp" (cách cháu dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt). Để “biết điều” với con, tôi phải cố gắng thực hiện tốt cái “giao kèo” này.
- Nghe tin chị đột quỵ, không ít bạn bè đã vô cùng lo lắng, vậy mà chị đã phục hồi nhanh đến kỳ lạ. Điều gì đã giúp chị vượt qua được những ngày khủng khiếp ấy và lấy lại phong độ làm việc?
- Tôi nghĩ mình vượt qua là nhờ tình yêu của thân nhân, bè bạn. Thương ghê lắm... Mình mà chết, mà tàn phế là “tham nhũng” tình yêu của họ như cách nói của một người bạn. Làm sao chết được với những câu nói đại loại: “Em phải ráng, em có làm sao thì chị buồn lắm...”. Đó là chưa kể những cái nhìn xót xa gan ruột của người thân. Cứ vậy là tự nhiên mình ý thức phải giành giật cuộc sống, phải tập luyện để có thể làm việc bình thường trở lại. Không ai tưởng tượng được chỉ sau 6 tháng tôi có thể leo lên leo xuống cái cầu thang chung cư này không biết bao lần trong ngày. Cơn đột quỵ ảnh hưởng nhiều đến chi trái, khiến nó bị tê, cầm cái gì cũng rớt. Thế nhưng, tôi quyết tâm “đánh vật” với nó bằng cách chỉ cầm tay trái, cầm cho đến khi nào hết rớt thì thôi. Bây giờ thì không rớt nữa. Dù sao tôi cũng tin vào phúc đức.
- Có vẻ như trong mỗi bài viết của chị đều chứa đựng một bức xúc, xót xa nào đó... Bản thân chị thấy sao?
- Hầu như vậy. Viết báo với tôi là sự giải tỏa, thậm chí, đôi khi là thái độ sống. Có những chuyện phải ngồi dậy viết ngay trong đêm, bởi không viết ra nó sẽ “quậy” trong óc không ngủ được. Có lẽ tôi quá đa cảm. Điều đó khiến tôi luôn bận rộn, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Chị vẫn ào ào công việc: khai trương tủ sách điện ảnh cho cuối năm, mở câu lạc bộ điện ảnh cho dăm năm tới... Thời gian nào chị tự chăm sóc bản thân?
- Rất nhiều người khuyên tôi thôi bức xúc, kệ mọi sự. Tôi cũng tự hiểu như thế nhưng đồng thời cũng biết không thể như vậy; bức xúc cá nhân thì thôi được chứ bức xúc vì cái chung thì phải nghĩ, phải lên tiếng. Không nghĩ, không lên tiếng thì lại không... tử tế với lương tâm. Tôi phản ứng và chia tay Hãng phim Giải Phóng là vậy. Là những bức xúc liên quan đến vinh quang, truyền thống của một hãng phim, đến những hoang phí tiền của nhân dân quá... đơn giản. Nhiều người bất nhẫn nhưng không nói được do vị trí, hoàn cảnh. Tôi đủ tư cách nói, có điều kiện nói mà không nói thì không... tử tế với lòng tự trọng và trách nhiệm công dân.
Nhưng thôi, nói chuyện sắp tới: Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn đang giao tôi một số dự án điện ảnh rất thú vị... Phải nói càng đi nhiều, càng tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế tôi lại càng sốt ruột cho nền điện ảnh đất nước; thấy nó non kém, cằn cỗi so với thiên hạ. Một sự đổi mới, lột xác chỉ trông cậy vào lớp trẻ.
- Hàng loạt hãng phim tư nhân ra đời nhưng sự tham gia vào thị trường điện ảnh còn rất bấp bênh, đa số phim bị chê là chất lượng chưa cao, dù doanh thu khả quan. Chị mừng hay lo?
- Tôi mừng, bởi điện ảnh bất kỳ nước nào cũng song song tồn tại hai mảng phim thương mại và phim - gọi là - nghệ thuật. Xưa nay mình quá coi thường phim thương mại, đến khi quan tâm đến nó thì... thái quá, thiên lệch. Nền điện ảnh phát triển là một nền điện ảnh cân bằng. Chúng ta cũng vậy, phải làm phim thương mại. Và thay vì lăm le “đánh” phim thương mại thì hãy nâng đỡ phim nghệ thuật, cho nó khoảng đất sống. Nhà nước phải có những chính sách “trọng tài” thiết thực, hiệu quả chứ không chỉ quẳng tiền ra làm phim rồi phó mặc sản phẩm như hiện nay.
Tôi rất phục Thiên Ngân, Phước Sang..., chia vui với họ khi họ thu được lợi nhuận cao. Có thế họ mới tiếp tục sản xuất những tác phẩm chất lượng hơn. Điện ảnh tư nhân đáng trông chờ hơn vì làm phim tư nhân thì yên tâm tiền đổ vô phim, còn làm phim Nhà nước thì rất có khả năng tiền chui... “vô túi”.
- Ngoài vai trò đạo diễn, chị còn là người có tư duy của nhà sản xuất, từ việc lập dự án, kêu gọi đầu tư đến chuyện tìm đầu ra cho bộ phim... Tư chất này hình thành từ đâu?
- Thực sự tôi không có máu doanh nhân, những gì tôi làm đều hồn nhiên, xuất phát từ logic bình thường nhất: một sản phẩm bắt buộc phải được đầu tư, tiêu thụ, và mình chỉ cố gắng thực hiện logic đó. Bây giờ tôi nghĩ phải bắt đầu học tư duy theo kiểu doanh nhân. Tôi rất đồng cảm với doanh nhân bởi làm nghệ thuật cần một chút phiêu lưu, còn làm doanh nhân máu phiêu lưu phải gấp nhiều lần. Về mặt tâm lý cũng có vẻ rất giống nhau, như sự sáng tạo, sống chết, đeo đuổi với sản phẩm, kể cả sự thất vọng, hy vọng, niềm hạnh phúc... Cuộc chơi của những nhà sản xuất điện ảnh cũng đáng cảm kích lắm. Không phải vô cớ LHP Cannes có giải dành cho nhà sản xuất đầu tay - những người khi dấn thân vào điện ảnh đã đủ sáng suốt, tự tin, dũng cảm chấp nhận rủi ro để đầu tư cho một phim có giá trị nghệ thuật. Và đầu tư thành công.
- Chị nghĩ sao về những người phụ nữ đã và đang làm đạo diễn?
- Đạo diễn điện ảnh là một nghề (có thể) đem đến vinh quang nhưng (chắc chắn) đào thải kinh khủng, thậm chí phũ phàng. Với phụ nữ, tính nghiệt ngã đó càng gấp bội bởi họ phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình, đến mức hiếm người phụ nữ nào có thể đeo đuổi đến tận cùng. Tôi rất cảm phục thế hệ đàn chị như cô Bạch Diệp, hay thế hệ đàn em như Nhuệ Giang... bởi hơn ai hết tôi hiểu những khó khăn của người phụ nữ khi hành nghiệp. Đó là những phụ nữ quý hiếm trong điện ảnh.
- Chị nghĩ gì về hạnh phúc?
- Làm được điều mình thích. Nói và sống được như mình nghĩ.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)