Ngay từ những ngày đầu sự nghiệp vào thập niên 1970, Michael Haneke thường xuyên xây dựng nhân vật có xu hướng tự huỷ hoại bản thân như một cách nổi loạn theo bản năng để chống lại sự thay đổi, suy đồi, rối ren của xã hội. Một học sinh cấp 3 treo cổ tự vẫn khi phim kết thúc, một gia đình ba người lên kế hoạch tỉ mỉ, kỹ càng cho việc tự tử tập thể trong chính ngôi nhà của họ, một thiếu niên ghi lại toàn bộ quá trình giết người của bạn trên băng video hay một sinh viên đại học gây ra vụ thảm sát kinh hoàng trong nhà băng...
Đạo diễn người Áo, Michael Haneke - chủ nhân của Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2012. |
Nội dung của những bộ phim này thường gây sốc, mang lại trải nghiệm giống như hành hạ, trừng phạt chứ không phải mua vui cho khán giả. Chính đạo diễn người Italy Nanni Moretti, chủ tịch hội đồng giám khảo LHP Cannes 2012, từng thẳng thừng tuyên bố ông không thích bộ phim đầy tranh cãi Funny Games (1997) của Haneke vì nó quá bạo lực. Mặc dù vậy, đạo diễn người Áo lại coi hành động điên rồ, nổi loạn và không thể kiểm soát của những nhân vật trong phim mình là điều tự nhiên, không thể tránh khỏi và không cần bất cứ lời giải thích nào.
Khán giả, đặc biệt ở Mỹ, thường đặt mình vào vị trí của nhân vật khi theo dõi một bộ phim. Do đó, một bộ phim sẽ dễ chinh phục khán giả khi họ cảm thấy đồng cảm với nhân vật. Họ tin rằng mình sẽ hành động tương tự nếu rơi vào một tình huống như trong câu chuyện. Đây là một trong những lý do phim nghệ thuật của châu Âu thường không được thành công về mặt doanh thu tại thị trường Mỹ, bởi một số nhà làm phim như Michael Haneke không thực sự mặn mà với việc chiều theo tâm lý của phần đông khán giả.
Michael Haneke vui mừng với Cành Cọ Vàng cho bộ phim mới của mình, "Amour", trong đêm bế mạc LHP Cannes hôm 27/5. |
Hầu hết phim của Michael Haneke đều được dựa trên những câu chuyện có thật. Tuy nhiên, các nhân vật, chi tiết đôi khi không nhất thiết phải trung thành với nguyên mẫu, mà thường được thêm thắt những đặc điểm mang tính chất giáo huấn. Bằng cách này, Michael Haneke có thể tập trung đi sâu phân tích, mổ xẻ rất nhiều khía cạnh của nhiều hệ tư tưởng khác nhau. Với tư cách một nghệ sĩ, ông đặc biệt chú trọng vào sự thờ ơ, lãnh đạm và cô lập giữa con người với con người đang ngày càng trầm trọng trong xã hội.
Michael Haneke gọi đó là sự "đóng băng cảm xúc". Đề tài này vốn không xa lạ đối với nhiều nhà làm phim trước ông, trong cả phim nghệ thuật châu Âu và thương mại Hollywood. Nhưng khi "bắt bệnh" cho một xã hội tiêu dùng mà ở đó con người mất khả năng thương yêu, kết nối, đồng cảm, còn bạo lực, tội ác gia tăng thì những bộ phim của Haneke chưa bao giờ ép buộc khán giả phải phán xét nhân vật trong phim theo khuôn mẫu của bất cứ hệ tư tưởng hay giá trị đạo đức nào.
Bản thân Michael Haneke là một nhà làm phim chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong điện ảnh châu Âu cuối những năm 1950 và đầu thập niên 1960, đặc biệt là từ nhà làm phim Robert Bresson cùng nhà khoa học kiêm triết gia Blaise Pascal. Ông có một cảm quan đầy bi thương đối với thế giới xung quanh.
Một cảnh trong phim "The Seventh Continent" của Michael Haneke. |
Theo triết lý của Haneke, con người phải chịu đựng sự thù địch của cuộc sống là một điều hiển nhiên và tất cả điên rồ, chết chóc trong phim của ông đều tuân theo chính logic của tuyệt vọng. Tôn giáo, đức tin, quy tắc, chuẩn mực đạo đức với Michael Haneke đều không phải là tuyệt đối, bất biến. Ngay cả chính phim ảnh cũng chỉ là "24 lời dối trá trong một giây", như ông đã phát biểu trong một cuộc họp báo tại Cannes nhiều năm trở về trước.
Trong bộ phim The Seventh Continent (1988), Michael Haneke vẽ nên bức tranh về một gia đình trung lưu với cuộc sống tưởng như hoàn hảo. Tuy nhiên, những con người dư dả về vật chất lại không đủ khả năng để chịu đựng sự tồn tại vô nghĩa của họ trên thế giới này. Sự lặp đi lặp lại đầy nhàm chán của cuộc sống trung lưu dần đẩy các nhân vật trong phim đến giận dữ tột cùng. Họ phá hủy toàn bộ đồ đạc, của cải trước khi trút giận lên chính mình bằng cách tự vẫn.
Bức tranh hiện thực đầy phũ phàng trong The Seventh Continent được vẽ bởi những khung hình tĩnh lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ, như chiếc đồng hồ báo thức được hẹn giờ 6h mỗi sáng hay chiếc màn hình tivi vang lên những bài hát ca ngợi tình yêu trước một gia đình mà chẳng ai còn điều gì đáng để nói với những người còn lại. Tất cả đồ vật, chi tiết tưởng chừng vô nghĩa và không liên quan gì tới nhau đã cùng góp phần nhấn mạnh một xã hội quá coi trọng vật chất, vô nhân đạo. Cuộc sống của con người trong xã hội ấy đã mất hết ý nghĩa, suy biến, thoái hoá tới mức chỉ còn là sự tồn tại đơn thuần, vụn vỡ.
Michael Haneke là tác giả của phim "Cô giáo dương cầm" - một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nói về dục vọng. |
Ra đời 4 năm sau và cùng với The Seventh Continent, Benny's Video (1992) nằm trong bộ ba phim về sự "đóng băng cảm xúc" của Haneke. Trong bộ phim này, một lần nữa ông sử dụng hình ảnh chiếc tivi như một ví dụ tiêu biểu cho sự tha hóa nhân tính con người. Benny, một thiếu niên nhà giàu được nuông chiều quá mức, dành toàn bộ thời gian giam mình trong studio phân tích những đoạn băng, hình ảnh về việc giết thịt lợn.
Một hành động tưởng chừng như vô hại lại là minh chứng cho tác hại của những cảnh bạo lực, giết chóc xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông truyền thông, khi Benny giết chết cô bạn gái mới quen theo cách cậu vô thức tiếp xúc và học được qua những đoạn băng.
Bộ phim nói tiếng Pháp thứ hai, La Pianíste (2001), có lẽ là tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất của đạo diễn người Áo. Trong phim, ông từ từ bóc tách vỏ bọc bên ngoài của một nữ nghệ sĩ dương cầm tài ba kiêm giáo viên trường nhạc để phơi bày thế giới tâm lý phức tạp bị xáo trộn, lệch lạc bởi những ham muốn, ám ảnh về tình dục. Đa số khán giả khi xem phim đều cảm thấy sốc trước những cảnh bạo dâm và tự gây đau đớn cho bản thân của nhân vật chính Erika Kohut. Một số người cảm thấy bất lực, khó hiểu, thất vọng khi tìm cách lý giải cho việc cô bị mắc kẹt trong diễn biến tâm lý phức tạp và đau đớn. Cũng giống như hầu hết phim khác của Haneke, La Pianiste là một tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhưng đồng thời lại nhận được rất nhiều lời ngợi khen từ các nhà phê bình.
"Amour" - bộ phim mới đem về cho Michael Haneke Cành Cọ Vàng thứ hai trong sự nghiệp. |
Bộ phim Amour - Tình yêu (vừa đoạt giải Cành Cọ Vàng 2012) là câu chuyện cảm động về một đôi vợ chồng phải chống chọi với mọi thực tế phũ phàng của tuổi già và cái chết. Qua bộ phim, Haneke cho thấy ông tuyệt nhiên không có bất cứ sự hoài nghi nào về việc tình yêu sẽ chiến thắng mọi khó khăn. Với Amour và trước đó là Hidden (2005), Michael Haneke đã có nhiều trải nghiệm mới với những bộ phim mang tinh thần lạc quan, lấp lánh những tia sáng hy vọng bởi xuyên suốt sự nghiệp, các tác phẩm của ông là một chuỗi nhìn thô ráp, cay nghiệt về cuộc sống, bạo lực, sự tự hủy hoại và ghẻ lạnh giữa con người với nhau.
Với những phim trong giai đoạn sau của sự nghiệp như The Seventh Continent, Benny's Video và La Pianiste, danh tiếng của Michael Haneke đã vượt ra khỏi biên giới nước Áo và phim nghệ thuật châu Âu. Trong đó, Amour là một bước ngoặt thực sự đối với đạo diễn kỳ cựu này. Không có một người nông dân tự tay giết hại đàn gia súc của mình, không có cô giáo dương cầm tự đâm vào ngực mình, không có một người đàn ông Ảrập tự cắt cổ mình, Amour là một bộ phim về bi kịch của con người với sự vắng bóng của bạo lực và điên rồ - những yếu tố quen thuộc trong phim của Haneke. Thay vào đó, ông đã lựa chọn tình yêu.
* Trailer "Amour" |
Châu Trần