Alice ở xứ sở thần tiên của tác giả người Anh Lewis Carroll đã làm thay đổi cả nền văn học dành cho thiếu nhi. Ra đời từ năm 1865, câu chuyện về cô bé 12 tuổi Alice đi lạc vào xứ sở trong lòng đất và gặp biết bao nhân vật, biết bao sự việc kỳ lạ từng được coi như một minh chứng chuẩn mực cho trí tưởng tượng phong phú của trẻ em. Alice ở xứ sở thần tiên đã trở thành nguồn cảm hứng và có sức ảnh hưởng lớn tới điện ảnh, truyền hình, video games, nhạc kịch, hoạt hình... Thành công của câu chuyện này đã dẫn tới sự ra đời của tập truyện tiếp theo có tên Through the Looking Glass.
Nàng Alice rơi xuống chiếc hố thỏ. |
Năm 1903, lần đầu tiên câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên được đưa lên màn ảnh dưới dạng một bộ phim câm dài hơn 8 phút. Từ đó đến nay, đã có hàng loạt bộ phim chuyển thể hay lấy ý tưởng từ câu chuyện này, trong đó đáng nhớ nhất là phiên bản hoạt hình Alice in Wonderland vào năm 1951 của Walt Disney. Sức hấp dẫn của Alice vẫn còn rất lớn, chính vì vậy đạo diễn danh tiếng Tim Burton đã quyết định đưa câu chuyện này trở thành một tác phẩm điện ảnh hoành tráng mang phong cách đặc trưng của ông, kèm theo đó là hiệu ứng 3D hiện đại, sống động. Chính vì vậy Alice in Wonderland phiên bản 2010 được coi là một trong những quả bom tấn được mong đợi nhất của điện ảnh Hollywood ngay từ khi nó còn đang trong quá trình thực hiện.
Lấy ý tưởng từ cả hai tác phẩm gốc là Alice's Adventures in Wonderland và Through the Looking Glass, nhưng mốc thời gian của Alice ở xứ sở thần tiên phiên bản 2010 lại tiếp nối hai câu chuyện trên, khi Alice đã trở thành một thiếu nữ 19 tuổi - tức là lớn hơn nhiều so với nguyên tác. Đây là khoảng thời gian có nhiều biến chuyển trong tâm lý của Alice, khi cô bắt đầu trưởng thành. Luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ kỳ lạ, Alice giờ đây là một thiếu nữ xinh đẹp nhưng luôn cảm thấy bí bách và bị kìm kẹp trong xã hội quý tộc Anh đương thời. Bất ngờ bị cầu hôn tại một bữa tiệc, Alice cảm thấy khó xử và đã bỏ chạy. Cô đuổi theo một chú thỏ mặc áo gilê kỳ quái và mang một chiếc đồng hồ bỏ túi kỳ lạ mà cô trông thấy trên bãi cỏ.
Chú thỏ biến mất vào một cái hang tối, sau đó Alice cũng thấy mình rơi vào cái hang đó như giấc mơ đã ám ảnh cô bấy lâu nay. Từ đây, Alice bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới tại xứ sở thần tiên ngày nào để đi tìm câu trả lời mình là ai. "Giờ đây, là một cô gái sắp sang tuổi trưởng thành, Alice đã trở lại. Và ở đó, cô khám phá ra rằng tên thật của thế giới này là Underland" - Linda Woolverton, tác giả kịch bản cho biết. Alice đã khám phá ra Wonderland ngày nào thực ra có tên thật là Underland - một thế giới khác nằm sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, không có một chút gì về ký ức của chuyến phiêu lưu ngày xưa, liệu cô có thực sự là Alice huyền thoại của 10 năm về trước?
Những nhân vật kỳ quái ở xứ sở diệu kỳ chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng trẻ thơ. |
Đạo diễn Tim Burton vốn nổi tiếng với phong cách kỳ quái rất đặc trưng của mình qua những bộ phim nổi tiếng trước đó của ông như Big Fish, Charlie and Chocolate Factory, Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street hay Corpse Bride - bộ phim hoạt hình đã đem lại cho ông đề cử Oscar đầu tiên vào năm 2006. Chính vì vậy xứ sở thần tiên của Alice in Wonderland sẽ hiện lên đầy lung linh, kỳ ảo nhưng cũng không kém phần ma quái.
Trong tâm trí của nhiều khán giả, xứ sở thần tiên của Alice là một thế giới tràn đầy màu sắc rực rỡ. Nhưng đó chỉ là thế giới của một cô bé 12 tuổi với những suy nghĩ hồn nhiên, vô tư, nay Alice đã 19 và thực sự bước sang tuổi trưởng thành nên Underland sẽ trở nên buồn tẻ hơn một chút với những gam màu trầm và có phần hơi u tối. Nhưng không vì thế mà nó mất đi sự quyến rũ, khán giả sẽ phải trầm trồ trước những khu rừng tuyệt đẹp với nhiều loài thực - động vật kỳ lạ, những tòa lâu đài nguy nga của Nữ Hoàng Đỏ và Nữ Hoàng Trắng. Cách phối màu đặc trưng trong phim của Tim Burton luôn khiến người xem phải ngạc nhiên và thích thú. Đặc biệt khi Underland hiện lên trên màn ảnh sống động hơn bao giờ hết với công nghệ 3D hiện đại. Khán giả có cảm giác như mình đang được cùng Alice chu du trong một thế giới thần tiên đầy hấp dẫn.
Tham gia diễn xuất trong Alice in Wonderland là hai cái tên quen thuộc từng hợp tác với đạo diễn Tim Burton trong nhiều bộ phim trước, đó chính là Helena Bonham Carter - vợ ông và nam tài tử Johnny Depp. Ngoài ra còn có nữ diễn viên xinh đẹp Anne Hathaway và đặc biệt là sự xuất hiện của một ngôi sao mới người Australia gốc Ba Lan - Mia Kasikowska trong vai chính Alice. Trạc tuổi với Alice trong phim nên ngoại hình của Mia hoàn toàn thích hợp với nhân vật, nhưng diễn xuất của cô vẫn còn khá non và chưa thuyết phục được người xem. Tài tử Johnny Depp trong vai The Mad Hatter (Người làm mũ điên) vẫn đầy vui nhộn và kỳ quái với đôi mắt đầy màu sắc rực rỡ biến đổi liên tục theo cảm xúc.
Vai The Hatter do Johnny Depp thủ vai. |
Phần âm nhạc của Alice ở xứ sở thần tiên phiên bản mới do nhà soạn nhạc tài ba từng 4 lần được đề cử Oscar Danny Elfman thực hiện. Ông từng hợp tác với đạo diễn Tim Burton trong rất nhiều bộ phim trước đó như Planet of The Apes, Batman Returns hay bộ phim hoạt hình kinh điển The Nightmare Before Christmas. "Rõ ràng đây là một câu chuyện về Alice, do đó, Alice không chỉ có duy nhất một mà còn có tới vài giai điệu riêng, từ những âm hưởng ngọt ngào và ngây thơ khi cô bắt đầu chuyến đi, và sau đó mạnh mẽ dần lên, cũng như sự thay đổi của Alice trong phim", Danny phát biểu. Ca khúc chủ đề của phim có tên Alice (Underground) do nữ ca sĩ nổi tiếng Avril Lavigne trình bày với giai điệu mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần da diết, sâu lắng sẽ để lại nhiều ấn tượng nơi khán giả.
Nếu so với Avatar - bộ phim đầu tiên được chiếu tại Việt Nam với công nghệ 3D thì phần hình ảnh của Alice ở xứ sở thần tiên chưa sống động bằng. Lý do là Avatar được quay trực tiếp với máy quay 3D nên hình khối và bề dày của các nhân vật cũng như khung hình rất rõ nét. Còn Alice ở xứ sở thần tiên được chuyển sang định dạng 3D sau khi đã quay bằng 2D nên đôi chỗ hình ảnh vẫn bị mờ và lóa. Nhưng mặt khác, bộ phim mới lại có sự tương tác với khán giả hơn Avatar. Những hiệu ứng phổ biến của công nghệ 3D như ném các vật về phía khán giả, xuất hiện đột ngột hay lao về phía màn hình... thì Alice ở xứ sở thần tiên đã thực hiện rất tốt và có hiệu quả. Hình ảnh nổi đầy màu sắc của Underland vẫn khiến khán giả phải trầm trồ. Nhưng có lẽ cũng vì quá trau chuốt về kỹ xảo và hình ảnh nên câu chuyện của Alice ở xứ sở thần tiên phiên bản mới này chưa sâu sắc và đủ tinh tế để nắm bắt được cảm xúc của người xem, mà chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí. Tuy nhiên, đây vẫn là một bộ phim không thể bỏ qua đối với những khán giả yêu thích dòng phim 3D.
Phim khởi chiếu ngày 12/3 tại hệ thống rạp Mega Star trên toàn quốc.
* Trailer "Alice in Wonderland" |
* Ca khúc "Alice (Underground)" - Avril Lavigne |
N.M. (Ảnh: Disney)
Bạn mong chờ gì ở bộ phim này và cảm nhận của bạn khi xem phim?