Cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu cây xanh? Sẽ thiếu bóng mát, thiếu không khí trong lành, thiếu những thảm cỏ xanh nên con người không thể sống được. Bộ phim Dr. Seus’s The Lorax đặt ra một giả định khác: loài người vẫn có thể sống không cần đến cây xanh nếu có một công ty chuyên cung cấp không khí. Khi đó, điều đáng sợ nhất là cây xanh hoàn toàn biến mất trong ý niệm của con người và loài người cứ ngỡ rằng cuộc sống vẫn cứ tốt đẹp mà chẳng cần đến màu xanh cây lá.
Bộ phim The Lorax chuyển thể từ câu chuyện nổi tiếng của Dr Seuss vẫn lưu giữ tư tưởng bảo vệ môi trường và cảnh báo về chủ nghĩa tiêu dùng đang dần dần biến con người thành kẻ hủy diệt hệ sinh thái. Khai thác cốt truyện gốc của Dr Seuss, bộ phim kể lại câu chuyện của nhân vật Once-ler thời trai trẻ. Để chứng minh cho gia đình rằng mình là người có chí lớn, Once-ler quyết trở thành một nhà kinh doanh giàu có và thành đạt.
Tạo hình vui nhộn của thần Lorax. Ảnh: Universal. |
Once-ler đã phá tan hoang cả khu rừng để lấy nguyên liệu sản xuất khăn choàng, bất chấp sự can ngăn của thần Lorax, nhân vật đại diện cho tiếng nói của các loài cây. Khi công việc làm ăn thất bại, gia đình và bạn bè rời bỏ Once-ler. Ông tự giam mình trong căn nhà cũ trên mảnh đất cằn cỗi và thiếu sự sống trong suốt quãng đời còn lại.
Để nhuận sắc cho bộ phim, các nhà biên kịch Paul và Daurio đã sáng tạo thêm câu chuyện về cậu bé Ted sống tại một thành phố không có cây xanh ngay cạnh mảnh đất Once-ler sinh sống. Với mong muốn mang về một cây xanh thực sự cho cô bạn gái mình thầm yêu quý, Ted đã đến gặp Once-ler và hành trình tìm kiếm cây xanh của cậu bắt đầu.
Khu rừng Truffula rực rỡ trong "The Lorax". Ảnh: Universal. |
Về mặt hình ảnh, The Lorax đã tạo ra được những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đặc biệt là những sinh vật sống tại khu rừng trồng toàn cây Truffula. Những chú gấu con xinh xắn đu mình trên cây hay những đàn cá nhảy lên bờ hát líu lo đều được tạo hình công phu và trau chuốt làm toát lên tính cách từng nhân vật.
Rừng cây Truffula qua trí tưởng tượng của những nhà làm phim có hình dáng giống như những cây kẹo bông đầy màu sắc chứ không chỉ thuần khiết một màu xanh. Không gian cổ tích này chính là điểm nhấn gợi lên sự hứng thú cho các khán giả thiếu nhi. Công nghệ phim 3D càng làm tăng thêm vẻ lung linh cho thế giới như cổ tích của The Lorax.
Ngoài khán giả nhỏ tuổi, bộ phim còn hướng đến khán giản lớn tuổi là những bậc phụ huynh. Vì thế, ngoài thông điệp dễ hiểu về bảo vệ môi trường, The Lorax còn cảnh báo và phê phán lối sống tiêu thụ xô bồ đã tiếp tay cho những hành vi hủy diệt môi sinh. Cách tạo hình các nhân vật thuộc thế giới người lớn cũng được chăm chút kỹ như nhân vật ngài giám đốc công ty kinh doanh khí oxi với lối biếm họa khá ấn tượng.
Hình ảnh tươi đẹp của phim chinh phục nhiều khán giả. Ảnh: Universal. |
Phần âm thanh cũng được đầu tư. Các bài hát được dùng trong phim được tinh chọn kỹ lưỡng. Ngoài vai trò hỗ trợ thể hiện chủ đề bảo vệ môi trường, phần ca khúc này được hòa phối rất hấp dẫn. Sự kết hợp nhuần nhị giữa âm nhạc với đồ họa thể hiện chuyển động của các nhân vật hoạt hình là một điểm cộng khác cho The Lorax.
Sau ba tuần chiếu tại Mỹ, The Lorax đã thu về 158 triệu USD. Các nhà sản xuất kỳ vọng phim sẽ phá kỷ lục của "người anh em" Despicable Me (doanh thu hơn 500 triệu USD) vào năm 2010.
The Lorax (Thần Lorax) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 23/3. Đây là bộ phim hoạt hình Hollywood đầu tiên trong năm nay được lồng tiếng Việt để phục vụ cho khán giả nhỏ tuổi. MC Thanh Bạch lồng tiếng cho thần Lorax còn ca sĩ Đông Nhi thể hiện giọng nói của nhân vật Audrey.
|
Bình Minh