Tối 6/7, bộ phim Ranh giới trắng đen có suất chiếu đầu tiên ở TP HCM, thu hút hàng trăm khán giả tham dự. Đây là lần đầu một phim truyện nhựa của Việt Nam được đạo diễn người Indonesia chỉ đạo thực hiện với dàn diễn viên kết hợp giữa hai nước.
Trước khi ra mắt, phim được giới thiệu có nội dung nói về Nguyễn Lữ, một diễn viên võ thuật tình cờ liên quan đến một vụ truy bắt tội phạm khi băng đảng buôn bán ma túy nhầm anh là công an. Kẻ thù của Nguyễn Lữ trong phim là tên trùm ma túy Sở Thiên, luôn tìm cách truy sát Nguyễn Lữ để trả thù cho em mình vừa bỏ mạng.
Khi lên màn ảnh, kịch bản này được chỉnh sửa khá nhiều. Chuyện phim xoay quanh nhân vật chính tên Tâm (Võ Thành Tâm). Tâm là anh chàng chỉ đạo võ thuật trong các đoàn làm phim, bố mẹ mất sớm và sống cùng em gái tên Diễm (Thúy Diễm) tại căn hộ chật chội.
Diễn viên Võ Thành Tâm trong vai Tâm. |
Diễm đang là sinh viên, có ước mơ trở thành diễn viên và luôn bị anh trai ngăn cấm điều này. Diễm giấu anh trai tham gia đóng phim cùng A Đan, một diễn viên Indonesia. Một dịp, Tâm cũng bất ngờ được A Đan mời tham gia vào bộ phim. Diễm vừa thấy anh trai tại đoàn làm phim đã bỏ trốn. Cô vô tình mang theo vali tiền của nhóm xã hội đen do Nghiêm Sở Thiên cầm đầu.
Nghiêm Sở Thiên ra sức truy lùng tung tích chiếc vali và bắt Diễm làm con tin. Với sự giúp sức của nhóm người trong đoàn phim cùng nữ cảnh sát Ngọc Dung (Phan Như Thảo) và đội cảnh sát hình sự, Tâm tham gia cuộc đấu với băng đảng Nghiêm Sở Thiên để giải cứu em gái.
Với nội dung này, Ranh giới trắng đen không có gì khác biệt với những phim xã hội đen, hành động võ thuật của Hong Kong mà khán giả Việt Nam đã xem no mắt suốt hai thập kỷ qua. Không chỉ thế, phim còn có kịch bản hời hợt. Đường dây, cốt truyện lỏng lẻo còn do việc cắt cúp, dựng phim và chuyển cảnh khá "thô bạo", mà theo lời những khán giả xem phim tại rạp là như "bộp một phát" vào mặt.
Phim mở đầu giới thiệu nhân vật Tâm ở cảnh đánh võ tưng bừng trên phim trường. Vài cảnh sau đó là giới thiệu cô cảnh sát hình sự Ngọc Dung (Phan Như Thảo) cùng đội của mình đi bắt tội phạm. Đi bắt cướp mà cô này tung tăng, thản nhiên như sinh viên đến giảng đường đại học. Thậm chí, trong một lần đi bắt tội phạm nguy hiểm, đang nấp ở cửa hàng bán đồ lót, Ngọc Dung lại xao nhãng nhiệm vụ mà quay sang giành nhau chiếc quần lót nam với nữ khách hàng đứng gần đó.
Diễm do Thúy Diễm thể hiện, diễn xuất bên cạnh A Đan, một chàng trai người Indonesia do diễn viên Guntur Tripyono thủ vai. |
Cách thể hiện kiểu "phim lồng trong phim", đan xen tình tiết của đoàn phim Indonesia với đường dây chính trong Ranh giới trắng đen được đạo diễn xử lý khá non tay. Điều này dẫn đến các tình tiết ngô nghê. Anh chàng Tâm đang tham gia cảnh diễn xuất trên bãi biển bọt tung trắng xóa (bối cảnh thực là ở Vũng Tàu), trong tích tắc, anh chạy vèo vào trung tâm thành phố với đầy rẫy xe gắn máy mang biển số Sài Gòn.
Chưa hết, khi anh chàng Tâm đang chạy trong thành phố, bị lạc đoàn phim và đụng độ với bọn tội phạm thật, vậy mà anh vẫn hăng say đánh đấm. Đến khi bị chúng dùng dao đâm chảy máu, anh vẫn tần ngần hỏi, đây là dao thật hay dao đạo cụ, dù rằng xung quanh anh ta không có một người nào trong đoàn phim cũng không có dàn máy quay phim nào chạy theo. Khán giả phì cười trước tình huống quá ngớ ngẩn này.
Không gian trên phim ảnh là không gian giả, tượng trưng. Nhưng sức hấp dẫn của điện ảnh nằm ở chỗ cái tượng trưng và giả cần được xây dựng như thật. Điều này chưa được làm tới nơi tới chốn qua Ranh giới trắng đen.
Hiện tại, việc sử dụng phim để làm quảng cáo, PR cho một thương hiệu nào đó cũng không phải là mới mẻ. Trong bom tấn Transformers người ta cũng sẽ thấy bóng dáng của một hãng điện thoại di động. Nhưng làm thế nào để khéo léo mà không gây phản cảm với người xem mới là điều đáng nói. Ranh giới trắng đen phô diễn thương hiệu tài trợ cho phim quá lộ liễu, lặp đi lặp lại.
Riêng cảnh đánh đấm cuối cùng, diễn ra ở một nhà kho, thay vì tập trung vào nội dung phim, khán giả bị chi phối bởi hình ảnh những chiếc thùng giấy bị xử lý kỹ thuật xóa nhòa thương hiệu. Việc xóa quá mạnh tay khiến hình ảnh các chiếc thùng thay vì chỉ làm nền lại hiện ra lồ lộ, gây cảm giác khó chịu.
Các diễn viên đã nỗ lực thể hiện. Tuy vậy, kịch bản non tay khiến nhân vật của họ trở nên nhợt nhạt. |
Việc lồng tiếng Việt cho các diễn viên Indonesia trong phim cũng không được xử lý tốt, khiến cho lời thoại đã đơn điệu lại càng cứng nhắc, chưa khớp với khẩu hình của diễn viên.
Chấm điểm phim |
* VnExpress: 4/10 |
* Độc giả: |
Trong khi nhà sản xuất khẳng định đây là bộ phim nhiều kịch tính, căng thẳng, thực tế khi xem khán giả chỉ có cười ồ là chính chứ không thấy hồi hộp.
Điểm sáng của Ranh giới trắng đen là phim quay đẹp. Các màn đánh đấm võ thuật do được đạo diễn võ thuật Lap Fai Sak người Indonesia chỉ đạo khá ổn. Lap Fai Sak từng tham gia chỉ đạo võ thuật cho nhiều bộ phim thương mại của điện ảnh Hong Kong.
Phim do hãng Nghiệp Thắng sản xuất, Vinacinema phát hành. Sau suất công chiếu 6/7 ở TP HCM, phim ra rạp cả nước từ ngày 7/7.
Một số nhân vật trong đoàn phim chia sẻ với VnExpress.net về Ranh giới trắng đen: Diễn viên Võ Thành Tâm (vai chính Tâm): Khi đọc kịch bản, tôi thấy nội dung khá hay. Còn khi chuyển lên phim, nội dung được sửa nhiều. Tôi chỉ là diễn viên nên chỉ biết tập trung hết sức cho nhân vật. Tôi nghĩ nếu có lỗi gì thì không phải từ diễn viên mà có thể nằm ở khâu cắt, dựng hình. Vốn rất yêu thích phim hành động, nên tôi nhận lời tham gia phim này. Trong quá trình làm việc với êkíp Indonesia tôi thấy họ làm cũng rất chuyên nghiệp, nhanh lẹ, đúng giờ giấc... Do bận bịu, đến giờ tôi cũng chưa xem bản dựng hoàn chỉnh của phim ra sao. Ông Lý Quốc Oai, đại diện đơn vị sản xuất bộ phim: Đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với phía Indonesia. Trước đây chúng tôi chỉ nhập phim và mua phim về. Do thấy kỹ thuật làm điện ảnh của họ hay nên muốn hợp tác cùng để cho ra một phim võ thuật, hình sự pha yếu tố hài hước. Kịch bản ban đầu chúng tôi mua từ tác giả Lê Minh Phương. Sau đó, qua tay đạo diễn đã được sửa đi rất nhiều. Phim có lỗi này lỗi kia vì khâu cắt, dựng. Thậm chí còn vài lỗi hóa trang là do chúng tôi đã chọn người hóa trang còn non tay. Cảnh các thùng giấy ở cuối phim bị xóa mạnh tay là do ban đầu người chuẩn bị đạo cụ không biết nên mua toàn thùng có nhãn hiệu thuốc lá. Tôi làm phim này mệt lên mệt xuống. Bộ phim đầu tư gần 10 tỷ đồng, quay làm hậu kỳ xong tôi còn phải tốn thêm vài chục triệu đồng để thuê người xóa mấy cái nhãn hiệu thuốc đó đi. Trước giờ phim Việt Nam ít được bán ra nước ngoài. Phim này tôi làm bán đã bán được cho Indonesia và đang thương lượng để bán qua Singapore, Trung Quốc... Tôi dự định mời đạo diễn và êkíp Indonesia quay lại Việt Nam một ngày gần đây để cùng các phóng viên xem lại lại bản chưa cắt, tìm ra những điểm hay của phim. |
* Trailer 'Ranh giới trắng đen' |
Thoại Hà