Cuối tháng 10, Chính phủ thông qua Nghị quyết 112 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó nêu phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
VnExpress trao đổi với ông Đặng Nguyên Anh (Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) về chủ trương này.
- Ông đánh giá thế nào khi Chính phủ ra Nghị quyết 112 với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú qua“sổ hộ khẩu” giấy?
- Tôi thấy đây là bước tiến vượt bậc của quản lý và cải cách hành chính. Tôi không thấy bất ngờ vì nó phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và các tầng lớp dân cư. Việc này không hô hào song lại đưa ra vào thời điểm cần thiết.
Trong chiến tranh cũng như những năm đầu đổi mới, hộ khẩu là một trong những công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội. Giai đoạn hiện nay, hộ khẩu vẫn có những vai trò nhất định song đây là phương thức quản lý đã lạc hậu cần thay đổi.
Chúng tôi đến một số phường ở Đà Nẵng, Bình Dương hay TP HCM thì thấy mỗi nơi có trên 20 loại thủ tục yêu cầu có hộ khẩu trong hồ sơ đăng ký, xác nhận được niêm yết tại trụ sở.
Tôi từng chứng kiến cảnh người dân đi chứng thực có mang sổ hộ khẩu lại còn bị bắt phải có chứng minh thư, giấy đăng ký kết hôn... Cán bộ phường cho rằng phải có nhiều loại giấy tờ như vậy mới yên tâm về nhân thân.
Chúng ta hay mất lòng tin về nhau nên mới cần hàng chục giấy tờ liên quan cho yên tâm. Nếu không có sự thay đổi về cách làm này, công tác quản lý sẽ khó mà phát triển.
- Theo ông, việc quản lý bằng sổ hộ khẩu theo cách cũ đã "bó chân" người dân ra sao?
- Trong nghiên cứu mới nhất của chúng tôi có đến 5,8 triệu người đang sinh sống ở TP HCM, Bình Dương, Đăk Nông không có sổ hộ khẩu. 40% trong số đó đã có mặt ở những thành phố này từ trước năm 2010 và thậm chí 10-15 năm trước. Đa số họ đều không được mua bảo hiểm y tế ở nơi đang sống, con không học trường công, thi công chức…
Người một nơi, hộ khẩu một nơi thì nhiều năm nay nhà chức trách quản lý kiểu gì tôi cũng không biết. Thực sự là bất cập. Nếu bỏ được sổ hộ khẩu và các thủ tục “ăn theo”, người dân sẽ tránh được những phiền hà. Thời gian, công sức và tiền bạc cũng được giảm bớt rất nhiều.
Khi bỏ hộ khẩu sẽ không còn sự phân biệt, nhiều người nhập cư sẽ có đủ điều kiện để tham gia tuyển dụng công chức. Chứ không như bây giờ, nếu muốn thi công chức ở Hà Nội mà không có hộ khẩu, bạn phải tốt nghiệp thủ khoa loại giỏi. Rõ ràng có sự phân biệt.
- Ông nhận thấy người dân mong muốn nhà nước thay đổi gì về cách quản lý cư trú?
- Đa số người được khảo sát mong muốn bỏ sổ hộ khẩu. Họ mong muốn giảm bớt các thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu để khỏi bị "hành". Những loại giấy tờ ăn theo sổ hộ khẩu chỉ có ở Việt Nam chứ chẳng nước nào áp dụng. Nó gây phiền hà cho người dân. Tuy không có trong quy định pháp luật song nhiều giao dịch dân sự cũng yêu cầu phải có hộ khẩu như lắp đặt Internet, công tơ điện, nước, điện thoại…
Chúng tôi phỏng vấn một bà cụ quê Hà Tĩnh vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều năm song vẫn không được đăng ký thường trú. Bà chỉ mong sao gỡ bỏ được “thứ rắc rối” này đi để được mua bảo hiểm xã hội, được gọi đi họp tổ dân phố.
Bà nằm liệt giường vì bệnh mãn tính nhưng mỗi năm phải về quê vài lần để khám bệnh. Bà xin chuyển viện hoặc mua bảo hiểm ở nơi sinh sống thì không được chấp thuận. Tiền bạc làm ra đến đâu hết đến đấy.
- Bộ Công an sáng nay công bố sẽ thay thể sổ hộ khẩu giấy bằng "sổ hộ khẩu điện tử" qua mã số định danh từ sau năm 2020. Theo ông, việc quản lý cư trú theo cách mới sẽ gặp khó khăn gì?
- Chắc chắn việc quản lý cư trú bằng cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được nhiều hơn mất. Nhưng trước mắt các bộ, ngành sẽ phải đối diện với nhiều thách thức lớn để thực hiện lộ trình này. Tôi vẫn lo sợ có tính “ốc đảo” của từng ban ngành khi cơ sở dữ liệu dân cư đi vào vận hành và không có sự phối hợp đồng nhất.
Nhiều năm nay, người dân đi làm thủ tục hành chính lúc nào cũng hỏi cũng đòi hỏi hàng đống các loại giấy tờ. Chính bởi vậy, khó khăn lớn nhất là các cơ quan nhà nước cần thay đổi về tư duy quản lý. Đừng bao giờ nghĩ cơ sở dữ liệu cư dân này là của riêng Bộ, ngành nào.
Các cơ quan hành chính, các ngành y tế, môi trường, ngân hàng… cũng cần “hộ khẩu điện tử” để đơn giản hóa các thủ tục cho người dân. Chính bởi vậy, thách thức đặt ra là phải có sự hợp nhất, phối hợp giữa các bộ ngành.
Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng việc này chẳng khó khăn gì. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nên chúng ta có thể học tập.
* Bộ Công an nói về "Sổ hộ khẩu điện tử"
- Ông có lời khuyên gì với người dân vào thời điểm này?
- Nhiều người nói từ ngày 30/10 bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu và chứng minh thư là sai. Đây chỉ mới chủ là bước đơn giản hóa thủ tục hành chính dựa trên sổ hộ khẩu. Là bước chuyển đổi từ quản lý dân cư kiểu thủ công sang cách quản lý mới tiên tiến, thuận lợi hơn cho người dân.
Trước mắt, hộ khẩu sẽ vẫn cần thiết cho cuộc sống của bạn, ít nhất là đến đầu năm 2020 khi cơ sở dữ liệu dân cư đi vào hoạt động. Chính quyền đang nỗ lực cải cách hành chính, người dân hãy tích cực hợp tác để đảm bảo được lợi ích của cá nhân và tập thể.