Trang phục tù nhân được thiết kế đặc biệt để phân biệt với dân thường, một trong những hoạ tiết phổ biến là sọc kẻ trắng đen. Mẫu thiết kế này xuất hiện lần đầu tại nhà tù New Gate, bang New York (Mỹ) vào năm 1815.
Theo nhà nghiên cứu Juliet Ash, ngoài lý do chi phí thấp để sản xuất một mẫu thiết kế đơn giản như vậy, áo tù sọc kẻ trắng đen còn gây hiệu ứng tâm lý với tù nhân. Sọc kẻ trắng đen mô phỏng hình ảnh những song sắt nhà tù nên người mặc sẽ có cảm giác bị cầm tù không chỉ ở không gian xung quanh mà còn trên cơ thể. Đây được coi là một hình thức trừng phạt về tâm lý, như lời nhắc nhở thường xuyên về những hành vi đáng xấu hổ trong quá khứ của các phạm nhân.
Đến giữa thế kỷ 20, nhiều các nhà tù ở Mỹ đã bỏ hình thức trang phục này vì cho rằng cách “tra tấn” tinh thần kiểu này là kì thị và có phần vô nhân đạo. Theo quan điểm này, áo sọc kẻ đen trắng trở thành biểu tượng cho những hành vi tồi tệ, xấu xa của tù nhân. Nó khiến người mặc luôn trong trạng thái xấu hổ và khó chịu nhưng không vì thế mà tỷ lệ hoàn lương lại cao hơn.
Triết lý quản lý tù nhân hiện đại là tập trung vào khía cạnh cải tạo giáo dục chứ không phải trừng phạt như trước kia. Thêm vào đó, người vào các nhà tù Mỹ cũng đa dạng nên cần một kiểu trang phục mới với các thông điệp trung lập hơn. Do đó, nhiều nhà tù đã chuyển sang sử dụng trang phục jumpsuit với màu sắc sặc sỡ như da cam hay xanh lá cây với mục đích duy nhất là để dễ phân biệt trong đám đông.
Tuy nhiên, xu hướng sử dụng sọc kẻ trắng đen đang quay lại trong các nhà tù Mỹ. Một phần do trang phục màu da cam đang sử dụng dễ lẫn với một số ngành nghề khác, ví dụ công nhân làm đường...
Trong lần trở lại này, phần kẻ sọc ngoài màu đen truyền thống còn có các màu khác như đỏ, da cam và xanh da trời để phân biệt mức độ phạm tội của các tù nhân. Sự tương phản giữa trắng và các màu còn lại giúp dễ nhận ra phạm nhân chạy trốn kể cả từ khoảng cách xa.
Quỳnh Anh