Luật quy định trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với cá nhân tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Người thiệt hại được định nghĩa là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do người thi hành công vụ gây ra.
Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.
Điều 5 quy định người thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật… có quyền yêu cầu bồi thường.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường
Nhà nước bồi thường trong trường hợp nào?
Theo điều 18, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ.
- Người bị bắt, bị tạm giữ mà có quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bị kết án tử hình, đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù được xác định không phạm tội.
- Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan…
Tạm ứng tiền bồi thường theo cách nào?
Đây là quy định mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Điều 44 nêu, theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng tiền đối với những thiệt hại: tinh thần, thiệt hại khác có thể tính ngay được không cần xác minh.
Cũng theo điều luật này, trình tự, thủ tục tạm ứng kinh phí bồi thường được thực hiện theo các bước: Ngay sau khi thụ lý hồ sơ, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định giá trị các thiệt hại nêu trên và đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường việc tạm ứng.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, nếu còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng.
Ngoài quyền được tạm ứng tiền bồi thường, người bị oan sai còn được phục hồi danh dự, được trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai. Điều 58 nêu rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, thủ trương cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai.
Ngoài ra, cơ quan nói trên còn phải có trách nhiệm đăng báo xin lỗi và cải chính công khai trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú ba số liên tiếp.
Người gây oan sai phải hoàn trả tiền bồi thường
Luật cũng dành riêng một chương quy định về trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường của công chức gây oan sai. Điều 64 quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường.
Điều 65 quy định số tiền nhà nước đã bồi thường và mức độ lỗi của người thi hành công vụ là căn cứ xác định mức hoàn trả. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền nhà nước đã bồi thường.
Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả 30-50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Mức hoàn trả tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
Với lỗi vô ý, người thi hành công vụ phải hoàn trả 3-5 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
Tuy nhiên, luật cũng quy định nếu người thi hành công vụ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, đã chủ động khắc phục hậu quả, đã hoàn trả được ít nhất 50% số tiền phải hoàn trả thì được giảm mức hoàn trả.
Luật nêu cụ thể, các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 để giải quyết.
Người thiệt hại được định nghĩa là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do người thi hành công vụ gây ra. Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án. |