Ông Dương Chí Dũng. Ảnh: Nhật Minh. |
Ngày 18/5, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Dương Chí Dũng để điều tra về hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong thời gian ông này làm Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Tuy nhiên, khi cảnh sát khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Dũng thì ông này vắng mặt bất thường. Theo lịch công tác sáng 18/5 của Cục Hàng hải, ông Dũng làm việc bình thường tại cơ quan, không có kế hoạch công tác đột xuất. Lãnh đạo cục Hàng hải cũng như văn phòng không nhận được thông báo nghỉ, cũng như không thể liên lạc được với ông Dũng trong suốt ngày 18/5.
Ngày 19/5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với ông Dương Chí Dũng - người vừa bị đình chỉ chức Cục trưởng Hàng hải.
Trước đó, cơ quan điều tra cùng khởi tố, bắt giam ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vụ Vận tải (nguyên tổng giám đốc Vinalines); ông Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc Vinalines) về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Dương Chí Dũng (55 tuổi) được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 2 năm nay. Trước đó, ông này nhiều năm là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines. Trước khi được điều chuyển giữ chức Vụ phó Vụ Vận tải, ông Phúc từng có 2 năm làm Tổng giám đốc Vinalines dưới thời ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Quyết định bắt ông Dũng, Phúc, Chiều được cho là có liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn của Vinalines trong giai đoạn 2007-2010. Theo đó, Tổng công ty Hàng hải đã có nhiều khuyết điểm như mua sắm tàu cũ không phù hợp với kế hoạch được phê duyệt, quản lý sử dụng thiếu hiệu quả, dẫn tới kết quả kinh doanh yếu kém… Phần lớn những khuyết điểm này được xác định có trách nhiệm tập thể lãnh đạo Vinalines cùng Chủ tịch HĐQT (ông Dương Chí Dũng) và Tổng giám đốc các công ty thành viên thời kỳ 2005-2010.
Điển hình của các vụ mua sắm kể trên là ụ nổi No83M, được Vinalines mua phục vụ Nhà máy sửa chữa tàu phía Nam. Mặc dù được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 nhưng tổng chi phí cho dự án này lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xem xét, làm rõ.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Nam Anh